MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân TPHCM đang tập trung đến các nghĩa trang để tảo mộ. Ảnh: PV

Người dân Nam Bộ đi tảo mộ dịp Tết để tưởng nhớ ông bà và cha mẹ đã khuất

Huân Cao LDO | 20/01/2020 14:05

Những ngày cuối cùng của năm âm lịch, người dân TPHCM nói riêng và Nam Bộ nói chung cùng đi đi tảo mộ. Đây là dịp để lớp con cháu tưởng nhớ về ông bà, cha mẹ đã khuất.

Dẫn theo con trẻ để biết về mộ của ông bà

Gia đình anh Bảy tập trung nhiều thành viên đi tảo mộ. Ảnh: PV 

Sáng 20.1 (26 tết) tại nghĩa trang Thuận An (Thị xã Thuận An, Bình Dương), hàng nghìn người dân từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương...tập trung  về đây để tảo mộ. Nếu những ngày thường các tuyến đường hướng về nghĩa trang này vắng người qua lại, thì những ngày này trở nên đông đúc,  thậm chí xảy ra ùn tắc đường.

Anh Nguyễn Văn Bảy (35 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) đi tảo mộ bố mẹ tại nghĩa trang này, đã dẫn theo 2 con nhỏ để giáo dục các con hiểu về ông nội đã khuất. Khi đến ngôi mộ, anh Bảy cùng các con dọn dẹp, làm cỏ, sơn phết lại ngôi mộ tươm tất.

"Tôi mất bố từ sớm. Nhớ những ngày khi bố còn sống thì Tết đến là được sum vầy. Khi bố mất rồi, mỗi khi Tết về, tôi đều cảm thấy trống vắng vì thiếu hình bóng cha.  Do vậy, cứ mỗi dịp Tết, tôi đều dẫn các con đến mộ ông để thắp hương, nhằm giáo dục cho các con biết đến mộ và  tưởng nhớ đến ông" - anh Bảy chia sẻ.

Không riêng gì gia đình anh Bảy, theo quan sát của phóng viên có nhiều gia đình khác cũng dắt theo con trẻ khi đi tảo mộ. Nhiều gia đình 3 thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu cùng đi tảo mộ để hướng về ông bà đã khuất, giáo dục lòng hiếu thảo và biết ơn.

 Nhiều người dân Nam bộ đi tảo mộ và cũng là dịp để tưởng nhớ người đã khuất. Ảnh: PV

Hiếu kính ông bà tổ tiên, nhất là mỗi dịp Tết

Tục tảo mộ của người Nam Bộ được bắt đầu từ 20 đến ngày 30 tháng Chạp. Tục tảo mộ, nhằm để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất khi mỗi dịp Tết đến xuân về.

Mâm cúng tảo mộ đặc trưng của người miền Nam gồm hoa cúc, trái cây và vàng mã. Tuy nhiên, nhiều gia đình còn bổ sung thêm thịt heo hoặc thịt vịt và bánh mì, sau khi cúng xong thì con cháu quây quần dùng bữa ngày bên mộ với quan niệm cùng ăn Tết với ông bà đã khuất.

“Ở miền Nam, từ 20 đến 30 tháng Chạp là thời điểm trong năm, mọi người đều tập trung đến các nghĩa trang, ngôi mộ để tảo mộ. Việc này đã trở thành truyền thống của người dân Nam bộ từ xưa đến nay và được xem là một nét văn hóa của người dân Nam bộ" - bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Ban Quản lý Nghĩa trang Thuận An cho biết.

 Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ về ông bà quá cố. Ảnh: PV

So với miền Bắc, tục tảo mộ ở miền Nam có phần khác về hình thức cũng như thời gian. Cụ thể, ở miền Bắc việc tảo mộ được diễn ra chủ yếu sau Tết vào đầu tháng 3 âm lịch (Tiết Thanh minh). Trong khi đó ở miền Nam lại diễn ra trước Tết, thường rơi vào 10 ngày cuối tháng Chạp.

Những ngày này, trên khắp các nghĩa trang ở TPHCM và các tỉnh, thành phía nam đều đông đúc người dân đi tảo mộ. Mỗi ngôi mộ của người thân nằm yên dưới lòng đất luôn gợi lên bao nỗi niềm của người còn sống. "Chim có tổ, người có tông" nên ai cũng muốn được hiếu kính ông bà tổ tiên thông qua tục tảo mộ. Đấy cũng là cách thể hiện tình cảm của những người còn sống dành cho những người đã khuất khi mỗi dịp Tết đến.

Người dân Nam Bộ đi tảo mộ từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp. Ảnh: PV 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn