MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thôn 6, xã Đoàn Kết đánh giá cao chính sách giảm nghèo bền vững của tỉnh. Ảnh: Lê Nguyên

Người dân nghèo Kon Tum khoác lên mình tấm áo mới

LÊ NGUYÊN LDO | 05/10/2023 09:25

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi, trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực.

Năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 15.943 hộ nghèo, tỉ lệ giảm hộ nghèo đạt 4,46%, tổng số hộ cận nghèo là 8.857 hộ, chiếm tỉ lệ 6,03%. Với việc phân bổ 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho chương trình MTQG, toàn tỉnh ghi nhận đã có 42/85 xã đạt chuẩn nông mới.

Dự kiến đến năm 2023, tỉ lệ giảm nghèo toàn tỉnh đạt 4,04%, tỉ lệ giảm hộ nghèo tại các huyện nghèo bình quân 10,5%. Mục tiêu của toàn tỉnh trong năm nay có 5 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ước tính đạt 98,55%, đất sản xuất ước đạt 98,45%

Xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cũng là một trong những khu vực triển khai tốt chương trình MTQG. Trong năm 2022, toàn xã ghi nhận 27 hộ nghèo, 68 cận nghèo. Tuy nhiên con số này trong cuối năm 2023 chỉ còn 14 hộ nghèo và 53 hộ cận nghèo. Các mô hình chăn nuôi bò, đan chổi đót... đang giúp người dân nơi đây thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hằng đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò. Ảnh: Lê Nguyên

Bà Nguyễn Thị Hằng (65 tuổi, thôn 6, xã Đoàn Kết) đã có gần 3 năm triển khai mô hình chăn nuôi bò tại nhà. Từ hộ gia đình nghèo, giờ đây bà đã được ghi nhận thoát nghèo bền vững. Số tiền từ mô hình này giúp bà trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học đại học.

Ông Lê Tấn Huệ, thôn trưởng thôn 6, xã Đoàn Kết chia sẻ vào năm 2019, toàn thôn ghi nhận 9 hộ nghèo, nhưng đến năm 2023 chỉ còn lại 1 hộ nghèo. Ông Huệ đánh giá rất cao chính sách của toàn tỉnh trong việc giúp đỡ bà con có một cuộc sống khá hơn, công ăn việc làm ổn định. Mong muốn sẽ có thêm số lượng nhiều hơn để giúp đỡ bà con trên địa bàn các xã khác.

Chị Trương Thị Sáu (48 tuổi, thôn 6, xã Đoàn Kết) bị câm bẩm sinh và từng thuộc diện hộ nghèo của toàn thôn. Nhưng nhờ mô hình chăn nuôi bò và vay vốn trong chương trình tín dụng chính sách của tỉnh, chị đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà vô cùng khang trang. Đây được xem là một trong những hình ảnh tiêu biểu của chính sách hỗ trợ thoát nghèo bền vững mà tỉnh Kon Tum đang áp dụng.

Mặc dù chương trình MTQG đang từng bước thành công, nhưng toàn tỉnh vẫn đang cố gắng nỗ lực để vượt qua mục tiêu đề ra. Sáng ngày 3.10, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác giảm nghèo cho cấp cơ sở năm 2023. Điều này giúp cho cấp chính quyền đánh giá lại tình hình, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân nghèo trên địa bàn.

Bà Bạch Thị Mân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum - chia sẻ: “Các chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo cần phải tiếp cận đa chiều bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Qua đó tạo ra sự đồng thuận của người dân, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững.”

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn