MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Dương Đình Bảo chỉ dạy cho các bạn trẻ về nghề làm quảng cáo - nội thất - xây dựng. Ảnh: Bảo Trung

Người đàn ông cụt một chân truyền cảm hứng cho lớp trẻ

Long Du LDO | 12/01/2024 14:53

Đắk Lắk - Không may mất đi một chân khi còn quá trẻ, nhưng anh Dương Đình Bảo (36 tuổi) ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã vượt lên số phận, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cùng tinh thần không ngừng vươn lên nghịch cảnh đến cộng đồng, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Một ngày đen đủi 8 năm về trước, vụ tai nạn lao động đã lấy đi một chân của anh Dương Đình Bảo. Sau ít tháng điều trị ở bệnh viện, trở về nhà, nhìn đôi chân không còn lành lặn, từ người bình thường, thời gian đầu, anh Bảo không thể nào thoát khỏi cảm giác hụt hẫng, nhụt ý chí, mặc cảm với bạn bè vì hoàn cảnh khuyết tật của mình.

Anh cũng không ít lần chán nản, tuyệt vọng, phó mặc cuộc đời cho số phận khi đi xin việc đâu cũng gặp khó khăn, nhiều đơn vị từ chối nhận người không "lành lặn" như trường hợp anh Bảo. Nhưng nghĩ về gia đình, tự cố gắng vực dậy tinh thần, anh Bảo tập dần việc phải gắn bó với chiếc nạng bên mình, tự làm nhiều việc không cần sự hỗ trợ của người thân khác.

Anh Dương Đình Bảo với sự chịu khó, vươn lên trong cuộc sống giờ đã có cơ ngơi riêng của bản thân. Ảnh: Bảo Trung

Anh Dương Đình Bảo (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Khi bước vào hành trình mới của người khuyết tật, tôi mới thấy còn nhiều trường hợp khổ sở, không may mắn, không thể tự lo cho bản thân mình, không có công việc ổn định, phụ thuộc nhiều gia đình. Từ đó, tôi đã cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn bao người khác ngoài xã hội. Từ đó, mình có động lực phát triển động lực muốn giúp đỡ mọi người”.

Chị Lê Thị Bích Trang, vợ của anh Bảo ngậm ngùi nói: “Sau khi anh bị tai nạn, có lúc chồng tôi đã có ý định muốn kết thúc cuộc sống này. Nhưng với vai trò, trách nhiệm của một người vợ, tôi khuyên anh là vẫn còn nhiều người kém may mắn hơn mình, khổ hơn mình. Bây giờ mình vẫn có cơ hội. Gia đình và vợ con sẽ luôn động viên, là chỗ dựa vững chắc để anh tiếp tục cố gắng phát triển”.

Được biết, sau những biến cố lớn của cuộc đời, anh Bảo quyết định thành lập một công ty về quảng cáo - nội thất - xây dựng. Là một người khuyết tật với ý chí nghị lực vươn lên khó khăn, anh Bảo dần được khách hàng tin tưởng, công việc ngày càng thuận lợi.

Giờ đây, anh cùng vợ dành thời gian kinh doanh và dạy nghề, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Qua 4 năm hoạt động, hiện công ty đang tạo việc làm cho hơn 20 người lao động với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng. Trong đó, có những người khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Các bạn trẻ được anh Bảo tận tình chỉ dạy. Ảnh: Bảo Trung

Anh Lê Tuấn Anh (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Cách đây ít năm trước, tôi từ Hà Nội vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp. Thuở đầu thất nghiệp, chẳng biết làm gì để kiếm sống, may nhờ được anh Bảo thương tình nhận vào làm. Lâu ngày, trình độ của tôi được cải thiện nhiều, mức thu nhập cũng tăng thêm, đủ nuôi sống bản thân và có một khoản tích lũy phòng lúc khó khăn. Nhờ anh Bảo tạo ra một công ty như thế này đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương”.

Được biết, mỗi tuần, cứ vào tối các thứ 2,4 và 6, anh Bảo lại mở lớp dạy thiết kế đồ hoạ miễn phí, thu hút hàng chục người tham gia. Ngoài ra, anh xây dựng các video dạy online miễn phí đăng tải trên mạng xã hội. Bất cứ hoàn cảnh nào khó khăn cần học nghề, anh sẵn sàng tình nguyện hỗ trợ.

Mới đây, anh Bảo cũng là một trong 35 gương vừa được tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn