MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Động đất, nứt núi, hệ lụy là gây sạt lở, trôi nhà dân ở huyện Trà My, Quảng Nam (năm 2017). Ảnh: Thanh Hải

Người dân phải ứng phó thế nào khi xảy ra động đất

Thanh Hải LDO | 24/08/2022 11:35

Kon Tum - Trong vòng 2 ngày nay, tại huyện Kon Plông, Kon Tum đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất lớn nhỏ. Dù đã được tuyên truyền nhiều, song người dân vùng tâm chất vẫn đang hốt hoảng, lo sợ và lúng túng trong cách ứng phó...

Ghi nhận của phóng viên báo Lao Động sáng nay tại vùng tâm chấn động đất Kon Tum cho thấy, người dân vẫn trong tình trạng thất thần, hốt hoảng, chưa hết lo sợ về các trận động đất vừa xảy ra.

Tại thôn Con Cum, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, nhiều người phản ứng bằng cách bỏ chạy thục mạng từ rừng, rẫy để về nhà. Về đến nhà,  thấy mái tôn rung bần bật, tivi, bàn ghế đổ nghiêng ngã... thì ôm con nhỏ vọt ra khỏi nhà, đứng khóc...

Đây là thực trạng lo sợ, lúng túng ứng phó tương tự người dân vùng động đất Trà My, Quảng Nam thời điểm 2011, 2012... khi bị động đất kích thích do tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2, gây động đất.

Thời điểm năm 2011, ngay khi xảy ra những trận động đất đầu tiên tại Quảng Nam, Chính quyền, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã lập tức có hướng dẫn người dân một số biện pháp ứng phó trước khi động đất xảy ra.

Chi tiết hướng dẫn, khi xảy ra động đất, nếu đang ở trong nhà, ngay lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở. Nếu không có gầm bàn thì chạy đến góc phòng mà đứng, không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động...

Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi phòng, nhà nếu cần; khi di chuyển ra khỏi nhà cao tầng không chạy vào thang máy đề phòng mất điện bất ngờ, đồng thời lấy các vật che trên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu.

Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì phải lánh nạn ở những bãi đất trống, chạy tránh xa các tòa nhà cao ốc, tường cao, cây to và đường dây điện để tránh sập đổ. Và nếu động đất xảy ra khi đang ở gần bờ biển thì phải đề phòng sóng thần do động đất xảy ra ở đáy biển.

Không nên thắp nến, bật lửa hoặc diêm khi xảy ra động đất, cần chiếu sáng thì chỉ được dùng đèn pin. Nếu đang đi bộ trên đường hoặc bằng phương tiện giao thông như xe đạp, xe máy, ôtô... thì không được dừng dưới cầu vượt, cầu, cống cho đến khi rung động kết thúc. Khi động đất xảy ra, tại trường học hoặc công sở, cán bộ, học sinh cần chui xuống bàn và tránh xa cửa sổ, cửa ra vào.

Trong đó, lưu ý các cơ quan, đơn vị và người dân phải dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, radio, bông băng, thuốc chữa bệnh thông thường. Lưu ý không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao; không đặt giường ngủ sát cửa kính; những vật dụng trong nhà dễ ngã đổ, rơi xuống, nên được gắn chặt vào tường nhà để khi lung lay cũng không rơi xuống đất gây thương tích; các đồ đạc nặng như kệ sách, tủ, chén bát…. Nên đặt xa khỏi các cửa ra vào, các nơi thường lui tới để khi ngã đổ vẫn không chắn lối ra và nên gắn chặt vào tường nhà; những người sống ở chung cư nắm vững lối thoát hiểm và thường xuyên theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Thời điểm năm 2012, các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cũng đã có hướng dẫn người dân ứng phó động đất, khuyến cáo người dân không nên hoảng sợ nếu động đất mạnh. Bởi, động đất ở Quảng Nam thời điểm đó và tại Kon Tum bây giờ là do động đất kích thích - do quá trình tích nước hồ thủy điện gây ra chứ không phải động đất tự nhiên do đứt gãy vỏ bề mặt trái đất như ở một số nơi - trên vành đai lửa. Vì vậy, động đất chưa gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn