MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước lũ ập về nhanh khiến 15 tấn lúa bị ngập sâu gia đình ông Công không thể nào cứu được. Ảnh: P.U

Người dân Phú Yên tay trắng khi nước lũ rút đi

Phương Uyên LDO | 04/12/2021 19:05

Phú Yên - Trận ngập được coi là lớn nhất trong 12 năm qua ở Phú Yên. Nước lũ rút đến đâu, người dân Phú Yên lại thêm bần thần, xót xa khi tài sản tích cóp của mình mất đi theo lũ.

Bốc dỡ từng bao lúa đang trương phình sau 2 ngày ngập nước, ông Nguyễn Hồng Công (trú xã Hòa Bình, huyện Tây Hòa, Phú Yên) không khỏi xót xa. Trận lũ vừa qua đã khiến 15 tấn lúa của vợ chồng ông Công ngập trong hơn 1m nước.

Khi nước lũ rút đi, có đến 70% số lúa của gia đình bị ngập sâu đã bị nảy mầm, hư hỏng đến mức không thể dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Trắng tay sau cơn lũ dữ, cả nhà xót của, ngậm ngùi, chẳng biết kêu ai.

15 tấn lúa của gia đình ông Nguyễn Hồng Công ở huyện Tây Hoà hư hỏng nặng sau 2 ngày ngâm trong nước lũ. Ảnh: P.U

"Chỗ đây là cao rồi, nước vào thì bó tay chứ không cách nào trở tay kịp, không còn gì hết nữa cả. Khiêng cái kia thì cái khác ướt. Gà, vịt bị cuốn trôi hết. Nước lũ lên nhanh quá, thủy điện thông báo mà xả quá nhiều trở tay không kịp …"- ông Công nói.

Số lúa này gia đình ông Công thu hoạch vụ vừa rồi nhưng giá rẻ nên ráng để dành chờ giá nhích hơn chút bán lo Tết mà nay thì gần như mất.

Lũ về nhanh, người dân trở tay không kịp, Ảnh: P.U 

Gia đình ông Lê Văn Bổn (thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1) cũng chung cảnh ngộ. Hàng chục năm gắn bó với mảnh đất này, nhưng đây là lần đầu tiên ông Bổn chứng kiến cảnh nước lên nhanh khủng khiếp và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với gia đình.

Tại các vùng rốn lũ ở huyện Tây Hoà, Sơn Hoà, TP.Tuy Hoà, nhiều gia đình tay trắng khi lũ cuốn theo đàn gia súc gia cầm chắt chiu nuôi cả năm nay. Ảnh: P.Y 

Trong tổng số 1.300 con vịt, gà dự định sẽ xuất bán cuối vào năm nay, giờ đây chỉ con chưa tới 100 con. Bởi khi nước dâng tới đâu, gà vịt trôi theo tới đó. Ngoài số gà, vịt, gia đình ông còn thiệt hại 16 con heo (lợn) được 3 tháng tuổi.   

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khiến việc tiêu thụ gia cầm gặp khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, toàn bộ tiền vay mượn đều dồn hết vào vụ nuôi. Với đàn gà, vịt được từ 1,5kg-2kg/con mang theo bao hy vọng gỡ lại phần nào nguồn thu nhập bị mất do ảnh hưởng dịch bệnh của gia đình giờ tiêu tan theo nước lũ. Ông Lê Văn Bổn nói: "Bị COVID-19 nên tôi tập trung ở nhà, vay mượn để làm ăn. Mà lũ xuống nhanh cỡ đây thì không cách nào trở tay kịp".

Người dân Phú Yên dọn lại nhà cửa sau cơn lũ, lại thêm khó khăn chồng chất. Ảnh: P.U 

Tại huyện Phú Hòa, người dân đang dọn dẹp dần sau 2 ngày lũ rút. Bà Lương Thị Kim Thúy (trú Thị trấn Hòa Định, huyện Phú Hòa) chỉ đống lúa đã chuyển màu đen sau gần 3 ngày ngập trong nước nói: "Thiệt hại nhiều quá. Kê vẫn kê lên cao nhưng làm không kịp. Lúa giờ chỉ bán rẻ cho vịt, gà ăn thôi chứ bán làm gạo cũng không được nữa". 5 tấn lúa để dành, trong đó có giống để cho vụ Đông Xuân của gia đình bà Thúy giờ coi như bỏ.

Thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, trận lũ vừa qua đã khiến 8 người chết, 1 người mất tích, thiệt hại ước tính gần 371 tỉ đồng.

Lũ gây ngập khắp nơi. Ảnh: P.U 

Thiệt hại về tài sản, hoa màu do trận lũ vẫn chưa có con số cuối cùng. Sinh kế của bà con nhiều tháng nay đã bấp bênh bởi dịch bệnh bây giờ lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn