MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc triển khai xây dựng các dự án điện gió ở trên đồi cao tại huyện miền núi Hướng Hóa, phía dưới là đất sản xuất, ruộng lúa của người dân nên ảnh hưởng không tránh khỏi. Ảnh: Hưng Thơ.

Người dân sống khổ cạnh dự án điện gió: Bao giờ xử lý các dự án vi phạm?

HƯNG THƠ LDO | 09/10/2022 14:28

Quảng Trị - Người dân ở huyện miền núi tỉnh Quảng Trị liên tục mất đất sản xuất do các dự án điện gió. Vậy nguyên nhân do đánh giá tác động môi trường có vấn đề, hay các dự án điện gió chưa thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường trong quá trình thi công?

Ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết, tại địa bàn huyện có 19 dự án điện gió đi vào hoạt động và 10 dự án đang triển khai thực hiện tại các xã, thị trấn: Hướng Linh, Hướng Tân, Hướng Phùng, Tân Hợp, Khe Sanh, Tân Long, Tân Thành, Lao Bảo, Tân Lập, Tân Liên, Húc, Hướng Lộc.

Đến giữa tháng 7.2022, theo số liệu thống kê, báo cáo của các xã, thị trấn, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại do các dự án điện gió là 37,25ha với 428 hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong đó, diện tích lúa nước bị ảnh hưởng là 24,08ha/293 hộ; hoa màu bị ảnh hưởng 5ha/20 hộ; cây lâu năm bị ảnh hưởng: 1,93ha/22 hộ; rừng sản xuất bị ảnh hưởng: 2,27ha/32 hộ; nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng: 2,19ha/13 hộ và thiệt hại khác có 15 hộ.

Dự án điện gió triển khai qua khu vực rừng. Ảnh: Hưng Thơ.

Hơn 40ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 20ha ruộng lúa bị bồi lấp, vậy sinh kế cho các hộ dân bị ảnh hưởng như thế nào?; chế tài xử phạt các dự án điện gió khi liên tục để xảy ra tình trạng ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân?

Trước câu hỏi trên của phóng viên, ông Nguyễn Trường Khoa – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị chỉ trả lời loanh quanh.

Cụ thể, ông Khoa khẳng định rằng, hơn 40ha diện tích đất bị ảnh hưởng đã được các công ty điện gió đề bù. Và khi triển khai các dự án điện gió, đã thực hiện đánh giá tác động môi trường. Trong đó, có các giải pháp bảo vệ môi trường rất cụ thể cho từng dự án một.

“Đầu năm, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các dự án điện gió, trong đó tập trung đến vấn đề sử dụng đất, bảo vệ môi trường. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh và công khai với các cơ quan báo chí” – ông Nguyễn Trường Khoa, nói.

Đất đá từ bãi thải của dự án điện gió Công ty TNHH MTV Tài Tâm Quảng Trị trôi tuột xuống vùi lấp ruộng lúa của người dân, nhưng hơn 1 năm vẫn chưa được đền bù, khắc phục. Ảnh: Hưng Thơ.

Liên quan đến việc kiểm kê diện tích đất của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án điện gió, UBND tỉnh Quảng Trị giao cho UBND huyện Hướng Hóa. UBND huyện Hướng Hóa giao lại cho các xã, thị trấn triển khai. Quá trình triển khai, UBND các xã, thị trấn phải phối hợp với các dự án điện gió và việc kiểm kê gặp nhiều khó khăn, nếu dự án điện gió không hợp tác.

Vì vậy, ngoài hơn 40ha đất bị ảnh hưởng đã được thống kê nói trên, hiện còn nhiều diện tích đất lúa bị bồi lấp chưa được kiểm kê, đền bù.

Đơn cử, như tại xã Húc có đến 45 hộ thiệt hại nặng hơn 1 năm nay vẫn chưa thống nhất được diện tích bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, thiệt hại về đất sản xuất của người dân trong vùng dự án cũng tăng dần sau các đợt mưa lũ, do đất đá ở các bãi thải liên tục trôi tuột, vùi lấp.

Giữa tháng 7.2022, UBND huyện Hướng Hóa đã báo cáo việc bảo vệ môi trường tại các khu vực dự án, nhà máy điện gió trên địa bàn.

Trong đó, UBND huyện Hướng Hóa khẳng định, vẫn còn nhiều nhà máy chưa triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng cam kết như chưa gia cố các bãi thải, các đường giao thông có độ dốc cao, chưa trồng cây, đào rãnh thoát nước ở các điểm có nguy cơ ứ đọng nước.

3 dự án bị điểm mặt lần này đến lần khác và chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ nhiều vấn đề về môi trường chưa được thực hiện như cam kết, là dự án Amaccao Quảng Trị 1, Hoàng Hải, Tài Tâm.

Nếu UBND tỉnh Quảng Trị không sớm xử lý các dự án không chấp hành các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết và khắc phục các thiệt hại do dự án điện gió gây ra, thì người dân sống trong vùng dự án, đặc biệt là các hộ dân người đồng bào thiểu số Vân Kiều sẽ khó ổn định cuộc sống vì ảnh hưởng cứ kéo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn