MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân TPHCM phải trả tiền nước cao hơn nếu tính định mức theo đồng hồ. Ảnh: Chân Phúc

Người dân TPHCM phải trả tiền nước cao hơn nếu tính định mức theo đồng hồ

Huyền Trân LDO | 14/11/2023 20:05

TPHCM - Nếu chuyển từ phương thức tính định mức nước sinh hoạt theo nhân khẩu sang tính theo đồng hồ sẽ bất lợi với các gia đình đông người, dẫn đến tiền nước phải trả mỗi tháng sẽ cao hơn rất nhiều.

Ngày 14.11, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Sawaco) có văn bản gửi UBND TPHCM về đánh giá tác động của việc thay đổi phương thức tính định mức nước sinh hoạt.

Theo Sawaco, định mức nước sinh hoạt tính theo nhân khẩu (4m3/người/tháng) đã được TPHCM áp dụng từ năm 1996 đến nay. Tuy nhiên, Thông tư 44/2021/TT-BTC, ngày 18.6.2021 của Bộ Tài chính quy định tính định mức nước sinh hoạt theo đồng hồ (m3/đồng hồ/tháng) và bỏ quy định tính định mức nước sinh hoạt theo nhân khẩu.

Sawaco đánh giá, việc cấp định mức nước theo đồng hồ có thuận lợi trong việc đơn giản hơn thủ tục hành chính, người dân không cần phải đăng ký định mức; đơn vị cấp nước không cần phải quản lý biến động tăng - giảm nhân khẩu của các hộ gia đình.

Tuy nhiên, phương thức tính định mức này bất lợi với các gia đình đông người, sử dụng nước nhiều hơn nhưng định mức bằng với hộ gia đình ít người, dẫn đến mức chi trả tiền nước cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, những gia đình đông người đa phần có mức thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua nhà ở riêng, nên phải sống chung nhiều thế hệ.

Định mức nước tính theo nhân khẩu công bằng hơn, bởi định mức được cấp riêng cho từng cá nhân. Do đó, hộ gia đình dù đông người hay ít người thì mức chi trả tiền nước của mỗi cá nhân là như nhau.

So sánh mức chi tiêu tiền nước bình quân của một hộ gia đình khi giá bán bình quân tăng 7,7%, với phương thức tính định mức theo nhân khẩu, mức chi trả tiền nước năm 2023 của một hộ gia đình (có 4 nhân khẩu) là 170.800 đồng/tháng (chiếm khoảng 0,68% thu nhập hộ theo thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố).

Còn với phương thức tính định mức theo đồng hồ, mức chi trả tiền nước năm 2023 của một hộ gia đình (có 4 nhân khẩu) là 211.000 đồng/tháng (chiếm khoảng 1,25% thu nhập hộ theo thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố).

Cũng theo Sawaco, tại TPHCM, công suất thiết kế của các nhà máy nước đạt 2,4 triệu m3/ngày, thực tế sản xuất ở mức khoảng 1,95 triệu m3/ngày, còn khả năng đảm bảo cung cấp thêm 450.000 m3/ngày cho người dân thành phố. Do đó nên khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, giảm khai thác nước ngầm qua việc áp dụng định mức nước sinh hoạt theo nhân khẩu 4 m3/người/tháng (tương đương 16 m3/tháng/hộ gia đình 4 nhân khẩu), thay vì 10 m3/đồng hồ/tháng.

Sawaco cũng cho rằng, TPHCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt, có mật độ dân số cao nhất cả nước, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nên thu hút một lượng lớn nguồn lao động thu nhập thấp.

Do đó, việc thay đổi cách tính định mức sử dụng nước sạch (theo m3/đồng hồ/tháng) theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC sẽ ảnh hưởng đến đối tượng hộ gia đình đông người, thu nhập thấp, số liệu phân tích ở trên cho thấy tỷ lệ hộ dân bị ảnh hưởng do thay đổi phương thức tính định mức nước là rất lớn.

Sawaco cho biết đã có công văn đề nghị UBND TPHCM cho phép tiếp tục áp dụng định mức nước sinh hoạt theo nhân khẩu như các lộ trình trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn