MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những chuyến đò đầy ắp khách từ Nam Định qua sông Hồng sang Thái Bình để đi lễ, cầu bình an đầu năm mới. Ảnh: Trung Du

Người dân từ Nam Định xếp hàng đợi đò sang Thái Bình thăm viếng Đền Bà

TRUNG DU LDO | 27/01/2023 11:11
Những ngày đầu năm mới, hàng nghìn lượt người dân các xã ven biển huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đã chen chúc, xếp hàng đợi đò để đi qua sông Hồng sang xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) viếng Đền Cửa Lân (còn gọi là Đền Bà) với mong muốn cầu tài lộc, bình an.

Theo ghi nhận, trong các ngày từ mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có hàng nghìn lượt người dân thuộc một số xã ven biển huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) như Giao Hương, Giao Thiện, Giao Xuân, Hồng Thuận, Giao Hải... đã đi đò qua bến đò Giao Hương (thường gọi đò Ông Già, thuộc địa phận xã Giao Hương, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) để sang bến đò Nam Hồng (thường gọi đò Bồng He, thuộc địa phận xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Sáng ngày 26.1 (tức mùng 5 Tết), đông đảo người dân từ Nam Định di chuyển bằng đò qua sông Hồng để đến viếng Đền Bà. Chiều đò ngược lại từ Thái Bình sang Nam Định thì khách thưa thớt, vắng hơn rất nhiều. Ảnh: Trung Du

Từ bến đò Bồng He, người dân di chuyển men theo đường đê biển số 5 khoảng gần 8 km nữa qua các xã Nam Hồng, Nam Hưng, Nam Phú, Nam Thịnh, Nam Cường của huyện Tiền Hải để về thăm viếng, cầu tài lộc, bình an tại Đền Cửa Lân (còn gọi là Đền Cửa, Đền Bà) ở chân đê xã Đông Minh.

Đò này vừa đầy khách chạy khỏi bến xong, đò kia đã lại chuẩn bị cập bến để tiếp tục đón khách vẫn còn chen chúc, xếp hàng đợi trên bờ. Theo chủ đò, công suất và phương tiện đã phải tăng cường gấp 2 lần trong những ngày Tết để phục vụ nhân dân. Ảnh: Trung Du

Chị Hạnh (38 tuổi, trú xã Giao Hương, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 5 Tết, gia đình tôi lại ra bến đò, đợi đi đò sang bên kia sông Hồng để tìm về viếng Đền Bà nhằm cầu mạnh khỏe, bình an. Ngôi đền rất thiêng, trước đây gần như chỉ người dân đi biển, chài lưới trên sông, biển mới tìm về viếng đền. Sau này, ngay cả những người dân sinh sống trên bờ và không làm nghề chài lưới như chúng tôi cũng biết đến tiếng thiêng của các vị nữ thần để tìm đến thăm viếng, xin tài lộc, bình an".

Đền Cửa Lân (còn gọi là Đền Bà, Đền Cửa) ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải. Ảnh: Thu Hường

Tương truyền rằng, Đền Cửa Lân được xây dựng vào thế kỷ 19, khoảng năm 1835, sau khi Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ mở mang bờ cõi, quai đê lấn biển khai sinh ra đất Tiền Châu xưa (nay là huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Khu vực nhà đền xưa kia còn gọi là Cồn Tiên, nơi neo đậu tàu thuyền đánh cá của nhân dân nhiều địa phương đến lập ấp khai hoang. Đền thờ “Tứ Vị Thánh Mẫu Quốc Gia Nam Hải” (theo Đại Việt sử ký toàn thư kỷ nhà Trần). 

Năm 1311, vua Trần Anh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, đêm nghỉ ở Càn Hải chiêm bao thấy 4 vị Thần nữ phù hộ, sau đó quả nhiên đánh thắng trận, nhà vua quyết định cho lập đền thờ.

Năm 1426, Lê Lợi phái 3 đạo quân ra Bắc đánh quân Minh, đến cửa Càn Hải lập đàn tế lễ rồi xuất quân, vào chiến dịch Chi Lăng, Sương Giang. 

Sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Hậu Lê vào năm 1427. Lúc khao thưởng ba quân tướng sĩ, nhà vua cho sưu tầm thần tích và được biết đó chính là đền thờ Tứ Vị Hồng Lương (Hoàng Hậu, công chúa Mai Nương, Hạnh Nương và Thị Nữ) giữ trọn đạo nghĩa trung thần với triều đình, đã tự vẫn ngoài Biển Đông và dạt vào bờ và được nhân dân trong vùng chôn cất.

Tứ Vị Thần Nữ đã có công âm phù giúp vua Trần Anh Tông, Lê Lợi đánh thắng ngoại xâm, do đó các vua đều ban sắc phong, cho cai quản 12 cửa sông vùng ven biển Bắc Trung Bộ, lập đền thờ chu đáo, cẩn thận.

Từ năm 1940 đến năm 1952, Đền Cửa Lân là căn cứ cách mạng chống càn của thực dân Pháp, đến nay khu đền đã được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Mộ thờ và tượng cá voi (cá Ông) bên trong Đền Bà. Ảnh: Thu Hường

Điều đặc biệt, trong khuân viên Đền Cửa Lân còn có ngôi mộ thờ một con cá voi lớn (cá Ông) - được coi là vị thần hộ mệnh giúp ngư dân thoát nạn trên biển mỗi khi gặp bão tố hay sóng to gió lớn. Cá Ông sau khi chết trôi dạt vào cửa biển trước đền, được nhân dân trong vùng chôn cất và phối thờ.

Hàng năm, từ ngày 10 - 12.3 Âm lịch, Đền Cửa Lân lại mở Lễ hội chính với các nghi thức rước nước, hầu bóng, hát văn. Những năm gần đây, không gian hội ngày một mở rộng, các giá đồng, các đoàn tế từ nhiều nơi tìm về. Các trò trong hội cũng bổ sung thêm như cờ tướng, tổ tôm, chọi gà, cầu leo, hát chèo...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn