MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân vẫn "vô tư" đi xe máy lên vỉa hè sau chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội

ĐỨC ANH - PHẠM ĐÔNG LDO | 07/01/2021 14:09
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo xử lý nghiêm phương tiện đi lên vỉa hè. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thực trạng này vẫn diễn ra tràn lan trên vỉa hè đường phố thủ đô vào giờ cao điểm.

Ngày 5.1, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT Tết Nguyên đán Tân Sửu, Lễ hội Xuân năm 2021.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm ôtô, xe máy đi lên vỉa hè, đẩy mạnh xử phạt nguội qua hệ thống camera giao thông, ngăn chặn, không để đua xe trái phép.

Người dân tìm mọi cách để vượt qua đoạn đường tắc.

Tại thành phố Hà Nội, tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên trong giờ cao điểm thì việc người điều khiển xe máy “leo” lên vỉa hè để đi không phải là chuyện hiếm.

Ghi nhận sáng 7.1 tại tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), từ 7h sáng, dọc trên tuyến đường hướng về phía cầu Chương Dương, dưới lòng đường đã chật cứng các phương tiện cá nhân và xe buýt.

Người dân chen chúc đi lên vỉa hè trong giờ cao điểm buổi sáng trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Văn Đức

Trên đoạn vỉa hè, từng chiếc xe máy chạy ngược chiều nối đuôi nhau lưu thông để thoát khỏi khu vực ùn tắc.

Bên cạnh đó tại một số tuyến đường tập trung lưu lượng giao thông đông đúc khác như Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Lê Văn Lương, Cầu Giấy… tình trạng xe máy đi lên vỉa hè là điều dễ thấy ở các tuyến đường.

Trên đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ảnh: Kim Anh

Nhiều người dân cho biết việc đi lên vỉa hè chỉ là "hạ sách" khi lòng đường đang bị ùn ứ quá lâu bởi nhiều phương tiện đổ ra đường vào cùng thời điểm.

Anh T.Đ.T (32 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) cho biết: "“Đường tắc quá, vì muốn đi nhanh hơn một chút nên tôi thường phải đi lên vỉa hè. Biết là vi phạm quy định về an toàn giao thông, đi lấn vào phần đường dành cho người đi bộ, nhưng nếu cứ chôn chân dưới lòng đường thì không biết bao giờ mới đến được công ty".

Trên đoạn vỉa hè, từng chiếc xe máy chạy ngược chiều nối đuôi nhau lưu thông.

Có thể thấy, việc các phương tiện đi lên vỉa hè không chỉ ảnh hưởng tới người đi bộ mà còn khiến vỉa hè ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Trên nhiều tuyến phố, dù lát gạch 2 – 3 năm, nhưng đã nhanh chóng hư hỏng do xe máy và ôtô đỗ.

Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo đội CSGT số 7 cho biết: "Khi người dân đi lên vỉa hè đó là khoảng thời gian đường đang tắc nên lực lượng CSGT phải căng mình phân làn, điều tiết giao thông. Vì vậy, việc xử phạt người tham gia giao thông đi lên vỉa hè đối với lực lượng CSGT là tương đối khó khăn. Dẫu vậy, lực lượng CSGT số 7 vẫn sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội".

Việc các phương tiện giao thông đi lên vỉa hè ảnh hưởng không nhỏ tới người đi bộ.

Cũng nói về vấn đề này TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cho rằng các phương tiện chỉ di chuyển lên vỉa hè khi xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, điều này vô tình gây ra tình trạng thắt nút cổ chai, xung đột giao thông tại một số vị trí nút giao.

Ông Thủy cho rằng, việc các phương tiện di chuyển trên vỉa hè còn ảnh hưởng không nhỏ tới những người đi bộ, hư hỏng đá lát vỉa hè. Điều này, có thể tạo ra thói quen xấu cho người tham gia giao thông, mất mỹ quan đô thị. Do đó, bên cạnh việc điều tiết giao thông thì lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn