MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạn nhân (đội mũ trắng) trình bày vụ việc với các thành viên Đội SOS 247. Ảnh: CTV

Người dân về quê cần phải cảnh giác cao độ với nạn móc túi dịp Tết

Huân Cao LDO | 19/01/2020 07:41

Nhiều lao động nhập cư tại TPHCM bắt đầu khăn gói về quê ăn Tết. Trong lúc di chuyển trên các tuyến xe buýt, xe khách, tàu lửa... người dân cần phải cảnh giác cao độ với nạn móc túi dịp Tết này.

Dành dụm tiền cả năm để rồi bị móc sạch

Trạm xe buýt dịp Tết là địa chỉ các đối tượng móc túi thường xuyên "phục kích". Ảnh: PV 

Bà Nguyễn Thị Năm, quê huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh lên TPHCM làm công việc phụ bếp cho một quán ăn tại huyện Bình Chánh. Sau 6 tháng làm việc, ăn ở tại quán miễn phí, bà Năm được chủ quán trả 6 tháng tiền lương và 1 tháng thưởng Tết với số tiền được 28 triệu đồng.

Ngày 16.1 (22 Tết Âm lịch) vừa qua, bà Năm di chuyển trên một chuyến xe buýt về bến xe Miền Tây, để bắt xe khách về Trà Vinh ăn Tết. Đến bến xe vào mua vé và lấy tiền ra trả, thì bà Năm hốt hoảng khi xấp tiền gần 28 triệu đồng được quấn cẩn thận trong khăn tay bỏ trong túi xách đã không còn.

Kể lại sự việc với Đội hỗ trợ nhân dân TPHCM (SOS 247), bà Năm cho biết khi lên xe buýt sau khi lấy tiền ra trả tiền vé, bà cuốn lại cẩn thận và để trong giỏ xách rồi đeo đằng sau lưng. Tuy nhiên, khi xuống xe vào phòng vé lấy tiền thì phát hiện túi xách bị mở và xấp  tiền không còn.

Anh Lâm Quân Trường - Đội trưởng Đội SOS 247 phân tích, có thể khi lên xe buyt bà Năm lấy tiền ra trả tiền vé bị các đối tượng để ý và lợi dụng lúc bà sơ hở đã cuỗm đi số tiền này.

Dịp lễ, Tết là nạn móc túi luôn lộng hành

Nhiều nạn nhân bị móc túi đã tìm đến “hiệp sỹ” Hoàng để cầu cứu. Ảnh: PV

Đội trưởng Đội SOS 247 cung cấp thêm thông tin, năm nào cũng vậy cứ đến thời điểm Tết hoặc các ngày lễ lớn là Đội SOS 247 nhận được nhiều cuộc điện thoại của người dân vào đường dây nóng (0708.999.113 - 0703.393.115 - PV) phản ánh bị móc túi mất sạch tiền và giấy tờ

Theo đó, những người bị móc túi thường là lao động phổ thông, công nhân, bán hàng rong, giúp việc nhà... Họ là những lao động nghèo, nhẹ dạ, chủ yếu giữ tiền mặt và thiếu cảnh giác. Sau một năm làm việc, có được bao nhiêu tiền thì họ gói lại thành 1 cục đem về quê, nên trở thành miếng mồi cho bọn móc túi. 

"Chúng biết được thời điểm này nhiều lao động sẽ về quê ăn Tết mang theo nhiều tiền. Vì vậy, bọn chúng tăng cường đến các trạm xe buyt, bến xe, ga tàu... để hành nghề. Thường thì anh em trong Đội chỉ có thể giúp họ tìm lại giấy tờ tùy thân, chứ tiền và tài sản thì rất khó" - anh Trường nói.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm bắt trộm cướp, móc túi, hiệp sỹ Trần Văn Hoàng cho rằng, thời điểm Tết là nạn móc túi diễn ra nhiều nhất. Để tránh vấn nạn này, người dân cần tránh việc chen lấn khi lên xuống xe, không bắt xe và xuống xe dọc đường.

"Chạy xe máy trên đường đừng có để ví tiền túi sau vì bọn chúng đi ngang thấy sẽ rút ví. Tiền bạc nên gửi vào thẻ ngân hàng hoặc các dịch vụ gửi tiền của bưu điện...Nếu không gửi mà mang theo người, thì cần để túi trước, hoặc để trong túi xách và  luôn ôm túi bên người, tuyệt đối không mang túi phía sau lưng" - hiệp sỹ Hoàng chia sẻ.

Người dân cần cảnh giác cao độ để tránh bị "mất Tết"

Nhóm đối tượng móc túi ở trạm Suối Tiên do Nhân cầm đầu. Ảnh: CACC 

Nạn trộm cắp, móc túi tại nơi công cộng như trạm xe buýt, bến xe, ga tàu thậm chí là cả sân bay đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Càng ám ảnh hơn, khi bị móc túi trong những ngày này thì nạn nhân coi như là mất Tết, nhất là những người dành dụm cả năm nhưng bị móc hết.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng ở TPHCM đã bắt được nhiều băng nhóm chuyên móc túi, cướp giật trên xe buýt. Điển hình là việc dàn cảnh móc túi tại khu vực trạm chờ xe buýt Suối Tiên của băng nhóm gồm 5 người do Quách Chính Nhân (SN 1972, ngụ TPHCM cầm đầu) vừa bị công an bắt giữ. 

Để xử lý nạn móc túi đang lộng hành, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn. Trong đó, có việc tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM) vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng móc túi.

Đông thời, Sở đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng triển khai lắp đặt camera có khả năng nhận diện khuôn mặt ở khu vực trạm xe buýt phức tạp. Mục đích của việc này là giám sát và cung cấp cho cơ quan công an chứng cứ để xử lý các đối tượng móc túi.

Bà Nguyễn Thụy Oanh Vũ - Đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TPHCM cho biết: “Chúng tôi dán công khai số điện thoại đường dây nóng trên xe buýt (0909.322.116 - 0981.860.202 - PV) để khi có sự cố hành khách gọi điện phản ánh ngay. Nhân viên trên xe buýt cũng thường xuyên nhắc nhở hành khách giữ gìn tài sản cá nhận hết sức thận trọng".

 Ga tàu ngày Tết cũng là địa chỉ để các đối tượng móc túi lẻn vào hành nghề. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Minh Tiến – Trưởng Phòng điều hành Bến xe Miền Tây cho biết, vào dịp lễ, Tết tại các bến xe được xem là địa bàn hoạt động chủ yếu của các nhóm tội phạm móc túi.

“Nắm được thông tin này, bến xe thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh để hành khách cảnh giác và đề phòng. Những dịp lễ Tết thì bến xe tăng cường phối hợp với lực lượng công an phường, dân phòng để phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng móc túi tại bến" - ông Tiến nói.

Các điểm tập kết xe dù, bến cóc dịp Tết cũng là địa điểm "kiếm ăn" của các đối tượng móc túi. Ảnh: PV

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn