MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống kè đã góp phần ngặn chặn tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở các xã ven biển huyện An Minh. Ảnh: Nguyên Anh

Người dân ven biển bớt nỗi lo sạt lở, ổn định sinh kế nhờ xây kè chắn sóng

NGUYÊN ANH LDO | 12/08/2023 12:35

Công tình kè chống sạt lở bờ biển và phục hồi tuyến đê, kè biển ở các xã ven biển huyện An Minh (Kiên Giang) đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư giúp họ yên tâm, ổn định cuộc sống.

Không còn sạt lở nghiêm trọng

Còn nhớ vào tháng 6 và 7.2020, mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao, gió lớn đã làm sạt lở tuyến đê biển quốc phòng trên địa bàn huyện An Minh. Tháng 10.2020, tiếp tục ghi nhận tình trạng sạt lở mở rộng ở 14 đoạn đê biển quốc phòng, đoạn từ Tiểu Dừa đến giáp Vàm Kim Quy trên địa bàn xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây.

Hay vào tháng 5.2022, đoạn đê chiều dài 30m, chiều rộng 25m đoạn từ Vàm Kim Quy hướng về cống Mương Đào, thuộc địa bàn xã Vân Khánh, huyện An Minh đã bị đứt gãy, nước cuốn trôi. Đến tháng 6.2022, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển nghiêm trọng cần khắc phục tại khu vực xã Vân Khánh, huyện An Minh.

Đoạn đê bị sạt lở tại xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh vào năm 2020. Ảnh: Nguyên Anh

Vào thời điểm đó, tình hình sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những hộ dân nơi đây, hàng trăm ha đất nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Người dân hoang mang lo sợ đến không dám ngủ vì sợ sóng đánh vào bất ngờ cuốn trôi không hay.

Tuy nhiên, nỗi lo đó giờ đây đã không còn từ khi các công trình kè chắn sóng hoàn thành.

Tại khu vực Kim Quy - Tiểu Dừa, tỉnh Kiên Giang và các Bộ, ngành Trung ương đã đầu tư xây dựng hoàn thành công trình kè phòng, chống sạt lở bờ biển và đang tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, gây bồi tạo bãi, trồng rừng phòng hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Anh Võ Thanh Tùng, ngụ xã Vân Khánh, huyện An Minh chia sẻ: “Giờ mùa mưa bão đỡ lo rồi, không bị nước tràn, sạt lở như trước. Bây giờ bà con mừng lắm, an tâm hơn rồi, không còn nơm nớp lo sợ bị sóng cuốn trôi nhà cửa, đồ đạc nữa, yên tâm mà làm ăn”.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kè

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Minh, huyện có bờ biển dài khoảng 37 km, hiện nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 27 km kè và đang thi công 5 km. Hệ thống kè đã góp phần ngăn chặn tình trạng sạt lở nghiêm trọng, gây bồi tạo bãi khôi phục lại rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn, ổn định sinh kế của người dân, giúp họ an tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Điền - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Minh - cho biết: “Hiện nay, địa bàn huyện còn 5 km giáp với huyện An Biên cần xây dựng để hoàn thiện đồng bộ hệ thống kè phòng, chống, ngăn ngừa sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”.

Trồng rừng phòng hộ ngập mặn ven biển thuộc các dự án kè chắn sóng. Ảnh: Nguyên Anh

Ông Điền cho biết thêm, hiện đang vào mùa mưa bão diễn biến phức tạp, huyện cũng chỉ đạo các xã ven biển nhất là khu vực chưa xây dựng kè thì vận động người dân chủ động phòng tránh, di dời vào nơi an toàn. Các địa phương ven biển có phương án chủ động phòng, tránh, xử lý thiệt hại nếu có trường hợp sạt lở, khẩn trương gây bồi, tạo bãi trồng lại rừng phòng hộ.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đầu tư xây dựng khoảng 18 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, tổng kinh phí ước hơn 2.450 tỉ đồng. Tỉnh đã và đang trồng mới, phục hồi khoảng 645 ha rừng phòng hộ ngập mặn ven biển thuộc các dự án kè chắn sóng, gây bồi tạo bãi ven biển Tây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn