MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân Vĩnh Long bỏ cồn Thanh Long về đất liền vì đê sạt lở

AN NHIÊN LDO | 22/04/2023 06:35

Tình trạng sạt lở đất ở cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) liên tiếp xảy ra nhiều năm nay, buộc người dân phải nhiều lần dời nhà xa con đê để mong được an toàn hơn.

Nơm nớp sống chung với sạt lở

Nhiều hộ dân sống ở cồn Thanh Long cho biết, tình trạng sạt lở năm nào cũng có, nếu lở ít thì không sao, lở gần nhà thì phải di dời cho an toàn tài sản và tính mạng.

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nhi bị lở hết một phần hàng ba. Ảnh: Hoàng Lộc

Là một trong những hộ dân sinh sống ở cồn Thanh Long, bà Nguyễn Thị Nhi cho biết, việc sạt lở đã xảy ra nhiều năm trước đây. Mỗi năm lần thêm một chút và rồi đến năm ngoái (năm 2022), bà phải dời vào phía trong cất nhà mới vì nhà ở ngoài đê đã bị lở ngoạm vào đến sát cửa.

“Mới đây, ngày 20.4 lại lở thêm đoạn đê làm nước tràn vào các vườn bưởi, xoài, chanh... của bà con ở đây. Ngôi nhà trong kia của tôi mới cất cũng bị ngập lên cả mét, đồ đạc phải kê lên cao. Không có chỗ ngủ, cả gia đình lại phải quay ngược ra nhà ngoài này ngủ tạm. Vừa ngủ vừa lo không biết đoạn này có lở tới hay không” - bà Nhi nói thêm.

 Nước làm ngập hết các vườn trồng chanh, ổi của chị Nguyễn Thị Kim Yến ở cồn Thanh Long. Ảnh: Hoàng Lộc

Quyết định không tiếp tục sống trong ngôi nhà ở cồn Thanh Long này nữa mà trở vào đất liền thuê nhà, đất sinh sống, chị Nguyễn Thị Kim Yến chia sẻ trong tiếc nuối: Gia đình chị mua đất ở đây từ năm 2015. Khoảng 1 năm sau bắt đầu có sạt lở khiến ngôi nhà của một người hàng xóm đổ ụp xuống sông. Sợ quá, vợ chồng chị không dám ở tiếp mà quyết định về đất liền thuê nhà, đất mỗi năm tốn khoảng 20 triệu để sinh sống.

“Ngoài đây, tôi chỉ còn trồng chanh, ổi để bán thôi chứ không dám ở. Vụ sạt lở ngày 20.4 chỉ còn cách nhà tôi khoảng 3 - 4 mét. Cũng may bữa đó không ở trong nhà, chứ có cũng sợ. Ngày xưa mua đất là 10 công (1 công = 1.000 m2). Mới mấy năm mà giờ còn lại chỉ có có 8 công” - chị Yến cho biết thêm.

Mong chờ biện pháp tốt nhất

Là người sinh sống ở cồn Thanh Long này từ nhỏ, bà Nhi cho biết, từ khi nhà nước cho phép khai thác cát ở đoạn sông này nhiều, tình trạng sạt lở bắt đầu xuất hiện. Khoảng 6 - 7 năm nay, số lần sạt lở diễn ra ngày càng nhiều hơn.

“Lúc trước, phần đất ở mé này bồi ra năm, sáu chục mét, còn có cả một hàng bần để chắn sóng, chứ đâu có sạt lở sát chân nhà như bây giờ” - bà Nhi nói.

Ngoài ảnh hưởng đến cây ăn trái, sạt lở đê bao còn làm ngập nhà nhiều người dân. Ảnh: Hoàng Lộc 

Cũng là người có nhà bị ngập do vụ sạt lở đê bao ngày 20.4, anh Nguyễn Chí Bảo bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành chuyên môn nghiên cứu xử lý để hạn chế tình trạng thiệt hại, mất nhà, mất đất do sạt lở. “Năm nào cũng gặp tình trạng này, bà con tâm trí đâu mà làm ăn, phát triển kinh tế” - anh Bảo chia sẻ.

 Nhiều người dân đã phải dời nhà đến nơi khác để được an toàn hơn. Ảnh: Hoàng Lộc

Ngày 21.4, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Công Minh - Trưởng ấp Phước Lý Nhì - cho hay, từ khi có tình trạng sạt lở đến nay, đã có nhà bị nước cuốn trôi, 3 căn nhà phải dời vào xa đê bao và 1 ngôi nhà còn cách điểm sạt lở chưa đến 5 m là nhà của chị Nguyễn Thị Kim Yến.

Đoạn đê sạt lở đang được khẩn trương gia cố để ngăn nước tràn vào ảnh hưởng đến hơn 17 ha vườn cây ăn trái. Ảnh: Hoàng Lộc 

Ông Minh thông tin thêm, địa phương luôn trong tư thế sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời khi có sạt lở xảy ra. Nếu sạt lở lớn thì phải nhờ đến cấp xã, huyện, cấp tỉnh giải quyết. Như đoạn sạt lở lần này được tỉnh cho ý kiến sẽ khắc phục lại đảm bảo an toàn, kiên cố phần đê hơn. Trước mắt là gia cố bằng cách đắp đất để chặn nước tràn vào 17 ha vườn cây ăn trái của bà con.

“Những hộ dân sinh sống nơi đây mong muốn ngành chức năng sớm đưa biện pháp xây dựng đê bao kiên cố để không còn cảnh di dời nhà chạy lở hàng năm như bây giờ. Hơn hết, có như vậy, người dân mới yên tâm phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp an toàn” - ông Minh nói.

Trưa 20.4, đoạn đê dài hơn 40 m ở cồn Thanh Long, ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm xảy ra sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn tình hình sản xuất nông nghiệp của hơn 17 ha của người dân trồng xoài, cam, chanh… Hiện đoạn đê sạt lở được phương tiện cơ giới gia cố tạm trong thời gian chờ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn