MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân vùng bán ngập Hồ Núi Cốc thấp thỏm trong mùa mưa bão. Ảnh: Minh Hạnh

Người dân vùng bán ngập Hồ Núi Cốc thấp thỏm trong mùa mưa bão

Minh Hạnh LDO | 08/08/2023 20:43

Thái Nguyên - Mỗi năm vào mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân sinh sống trong vùng bán ngập của Hồ Núi Cốc lại thấp thỏm, lo âu khi nước hồ dâng cao tràn vào nhà gây thiệt hại hoa màu, tài sản.

Hồ Núi Cốc là công trình thuỷ lợi lớn nhất tỉnh, được xây dựng từ những năm 1970 với diện tích 25km2. Sau khi được xây dựng, những hộ có nhà ở, đất canh tác dưới cốt 46,25m buộc phải di dời nhà cửa và đất canh tác.

Vào mùa mưa lũ, nước hồ Núi Cốc thường dâng cao, để đảm bảo an toàn hồ đập và điều tiết nước đối với vùng hạ lưu, đơn vị quản lý công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) thường để mực nước ở cao trình trên 46,25m. Tuy nhiên, cũng có thời điểm, mực nước hồ dâng đến cốt 48,25m khiến không ít hộ dân bị ngập nhà cửa và hoa màu.

Theo báo cáo của UBND huyện Đại Từ, hiện nay có 406 hộ dân thuộc các xã gồm: Vạn Thọ, Lục Ba, Bình Thuận, Tân Thái... sinh sống ở vùng bán ngập hồ Núi Cốc (từ cao trình 48,25m trở xuống). Trong đó có 256 hộ đã được cấp GCNQSDĐ; 318 hộ đã làm nhà ở dưới cốt 48,25m trước thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định 2280/QĐ-UBND ngày 9/9/1997 về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - trong đó có điều khoản cấm thay đổi hiện trạng lòng hồ Núi Cốc từ cốt 48,25 trở xuống.

Ông Dương Văn Dục phản ánh những khó khăn, lo âu của gia đình với PV Báo Lao Động

Hiện nay, những khó khăn của người dân sinh sống từ cao trình 48,25m trở xuống vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, thời gian tới, đơn vị quản lý hồ Núi Cốc sẽ cắm mốc giới ở cao trình 50m thì số hộ dân bị ảnh hưởng sẽ tăng. Thực tế này rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh có biện pháp hỗ trợ, giải quyết để ổn định cuộc sống của các hộ dân nơi đây.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trịnh Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận (huyện Đại Từ) cho biết, hiện xã đã thực hiện di chuyển được một số hộ ra khỏi khu vực bán ngập. Còn lại một số do điều kiện chưa thể di dời; qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị và UBND xã cũng đã tiếp nhận, báo cáo lên huyện để có phương án giải quyết.

Theo đại diện xã Bình Thuận, hiện có 2 hộ gia đình là ông Trần Văn Cung và Dương Văn Dục ở xóm Đình 6 đang bị ảnh hưởng nhất, nhưng hiện xã chưa có chính sách gì hỗ trợ, khi có mưa lũ, UBND xã huy động lực lượng hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn cho người và tài sản. “Khó khăn nhất hiện nay là xã không còn quỹ đất và kinh phí của huyện cũng không có để hỗ trợ tái định cư, do đó chỉ báo cáo tỉnh Thái Nguyên để có phương án hỗ trợ”, ông Thức cho hay.

Cứ khi nước Hồ Núi Cốc dâng là nhà ông Trần Văn Cung xóm Đình 6, xã Bình Thuận lại ngập. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo ông Dương Văn Dục, gia đình ông sinh sống tại xóm Đình 6, xã Bình Thuận từ năm 1984, mỗi khi nước hồ lên tràn vào giếng, nước sinh hoạt rất hôi không thể sử dụng được. Đặc biệt, người dân thường bị các bệnh lở loét ngoài da. “Để đảm bảo cuộc sống ổn định, Nhà nước cần bố trí chỗ ở mới cho gia đình, nhưng trước mắt cần phải có nước sạch để sử dụng vì gia đình tôi có 6 người gồm 2 người già và 2 trẻ nhỏ”, ông Dục cho biết.

Theo phản ánh của bà con xóm Đình 6, vào mùa mưa, hầu như năm nào nước hồ cũng tràn vào nhà. Cụ thể vào tháng 5.2022, nước dâng cao khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu mất trắng.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện phần lớn diện tích đất nông nghiệp, đất ở của người dân tại đây từ cốt 46,25m-48,25m, khi nước hồ Núi Cốc dâng đến cao trình 48,25m thì bị ngập nhưng không hề được đền bù, hỗ trợ.

Ông Dương Văn Hữu (công an viên xóm) cho biết mỗi khi mưa gió, hoặc có thông báo bão lũ, xóm phải huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình chằng chống nhà cửa và đưa người lên chỗ cao ráo. Do đó, rất mong cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ người dân ra vùng an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn