MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Siêu cống” Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang) là cống lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: PV

Người dân vùng dự án hưởng lợi gì từ “siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé?

NGUYÊN ANH LDO | 17/01/2022 10:30
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (CL-CB) không chỉ kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu mà còn góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang.

Lợi ích “khủng” từ “siêu cống” 

Các công trình cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô tuyến đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc Lộ 61, Quốc Lộ 63 được xây dựng trên địa bàn huyện Châu Thành, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương và khu vực miền Tây. 

Dự án sẽ kiểm soát nguồn nước trên sông Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô để phục vụ sản xuất và đời sống cho người dân bên trong vùng dự án.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, việc vận hành đóng cống Cái Bé đã giúp riêng huyện Châu Thành giảm đắp đập tạm trên 10 đập, huyện Giồng Riềng và Gò Quao trên 126 đập tạm, góp phần bảo vệ vùng sản xuất, ổn định nguồn nước, giảm ô nhiễm môi trường. 

Trong tương lai, tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng cộng với lún sụt đất diễn ra nhanh và phức tạp nên các khu vực đường xá, nhà cửa có cao độ thấp sẽ bị ngập và ngập sâu.

Sau khi hoàn thành nâng cấp toàn bộ các tuyến đê dọc sông Cái Lớn, Cái Bé ra đến biển, công trình cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô sẽ kết hợp với các tuyên đê này và đê biển Tây để bảo vệ toàn bộ khu vực bên trong vùng dự án và bên trong đê. 

Các tuyến đê dọc sông Cái Lớn, Cái Bé gần phạm vi công trình đã tạo thành đê bao bảo vệ khu vực bên trong mỗi khi triều cường dâng cao, đồng thời kết hợp thành đường giao thông nông thôn phục vụ việc đi lại cho người dân.  

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Dự án CL-CB mang đến nguồn lợi kinh tế và các mặt khác về đời sống cho người dân. Không chỉ là lợi ích hiện tại mà còn về lâu dài nên địa phương cũng tranh thủ những nguồn lợi này để xây dựng, phát triển kinh tế huyện”. 

Ngoài ra ông Nam cho biết thêm, tuyến đê nối từ QL61 đến Cống Cái Bé, Cống Cái Lớn đến QL63 cùng với các cầu trên cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô kết hợp đã mở ra tuyến giao thông mới song song với tuyến giao thông hiện hữu, giảm ùn tắc cho ngã ba Minh Lương, tạo tiền đề để phát triển khu vực xung quanh công trình. 

26 mô hình sinh kế

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc trung tâm khuyến nông tỉnh, hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình tỉnh Kiên Giang thuộc dự án thủy lợi CL-CB giai đoạn 1 được triển khai thực hiện tại 7 huyện gồm Châu Thành, An Biên, An Minh, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận. Đến nay, mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình giai đoạn 1 đạt kết quả tốt, đạt mục tiêu đề ra. 

Dự án đã triển khai xây dựng thành công và nhân rộng được 26 điểm mô hình trình diễn theo hướng các yêu cầu của tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế (VietGAP, Global GAP, Ogranic) đáp ứng nhu cầu cần liên kết theo chuỗi giúp nông dân vùng dự án chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. 

Các mô hình sinh kế phù hợp giúp giảm từ 10-15%  chi phí sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế trên 20% so với canh tác truyền thống. Hợp phần sinh kế đã hướng dẫn thành lập, củng cố 20 HTX nông nghiệp.

Sản xuất sản phẩm theo hướng nông nghiệp sạch đạt các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, 100% có ký kết hợp đồng tiêu thụ ngay từ đầu vụ sản xuất so với trước khi triển khai dự án. 

Ngoài ra quy mô, kiến trúc công trình đã tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ và độc đáo nên Siêu cống đã trở thành địa điểm tham quan du lịch, học tập hấp dẫn cho địa bàn huyện Châu Thành, An Biên nói riêng và khu vực nói chung. 

Kiểm soát xâm nhập mặn vùng ĐBSCL

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng sẽ đến sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tình hình hạn, xâm nhập mặn vẫn đe dọa sản xuất vụ Mùa, Đông Xuân năm 2021-2022 và nước sinh hoạt của nhân dân. 

Việc đưa vào vận hành hệ thống thủy lợi CL-CB sẽ góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước cho sản xuất, mặt khác kiểm soát mặn xâm nhập và phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh. 

Sau khi hoàn thành thử nghiệm Quy trình vận hành Hệ thống thủy lợi CL-CB giai đoạn 1, một số địa phương trong vùng Tây Sông Hậu đã có kiến nghị trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án này để đảm bảo khép kín hơn nữa việc ngăn xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án hệ thống thủy lợi CL-CB giai đoạn 1 (tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng), trong đó có hai “siêu cống” Cái Lớn, Cái Bé là cống lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ở giai đoạn 2 của dự án sẽ chú trọng giải pháp chuyển nước ngọt về vùng U Minh Thượng cho các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận để tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án. Hệ thống đê bao và các công trình phòng, chống sạt lở ven sông Cái Lớn, Cái Bé để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn