MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vùng núi huyện Kon Plông, nơi người dân đang hứng chịu các trận động đất có thể do thuỷ điện tích nước. Ảnh T.T

Người dân vùng tâm chấn Kon Plông chưa được cảnh báo nhiều về động đất

THANH TUẤN LDO | 24/08/2022 14:57

Kon Tum – Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum - vốn được nhiều du khách biết đến với thị trấn Măng Đen có khí hậu trong lành, ôn hoà như Đà Lạt, mấy ngày qua bỗng "có tiếng" bởi là tâm chấn của những đợt động đất kéo dài. Điều đáng lưu tâm là công tác tuyên truyền, cảnh báo về tình hình động đất tại địa phương còn hạn chế. 

Du khách cũng nghe động đất cũng lo

Động đất diễn ra hàng chục đợt, từ đầu năm 2021 đến nay tại huyện miền núi Kon Plông, đỉnh điểm là trận 4,7 độ richter diễn ra vào chiều ngày 23.8. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế, công tác tuyên truyền, vận động, phát băng rôn khẩu hiệu về động đất chưa phổ biến. 

Tại các thôn bản, làng xã ở huyện Kon Plông – “thủ phủ” của hàng chục thuỷ điện lớn nhỏ, rất khó tìm thấy khẩu hiệu truyền thông về phòng tránh động đất và các biện pháp ứng phó khẩn cấp.  

Ông A Lực - người dân thôn Đăk Ne, xã Măng Cành - cho hay: “Người dân miền núi quanh năm tối mặt với nuơng rẫy, ruộng đồng nên hiểu biết về internet, mạng xã hội còn hạn chế. Khi có động đất, người dân chủ yếu vẫn theo bản năng của mình, tìm nơi ẩn nấp an toàn khi gặp nguy hiểm và chờ đợi trận động đất khác tiếp diễn”.  

Người dân xã Măng Cành tụ tập, kể về nỗi lo sợ động đất thường xuyên. Ảnh T.T 

Chị Trần Thị Châu – khách du lịch tới Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết: “Ngày 23.8, khi mình và bạn bè đang uống ly cà phê thì mặt đất rung lắc, chỉ biết thoát thân chạy ra ngoài sân. Nếu động đất diễn ra tại nơi đây diễn ra lâu rồi thì chính quyền cần dán các băng rôn, khẩu hiệu, hình ảnh minh hoạ để sớm cảnh báo cho du khách biết. 

Nếu cứ để họ lo sợ, tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, báo chí rất dễ lần sau khách khó quay trở lại hoặc giới thiệu cho bạn bè, người thân đi du lịch vào vùng có động đất”. 

Từ sau Tết, lượng khách đến Măng Đen tăng đều qua các tháng với gần 120.000 lượt khách trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Khách du lịch thường tới các ngọn núi, khe suối trong rừng, homestay, farmstay để trải nghiệm. Trong khi các địa điểm này thường có dư chấn động đất tác động mạnh. Việc phát triển kinh tế du lịch sẽ bị ảnh hưởng nếu tâm chấn động đất cứ lan rộng dần và ảnh hưởng đến tâm lý du khách. 

Cần tăng cường thông tin về động đất

Đến ngày 24.8, UBND huyện Kon Plông mới phát tờ rơi, băng rôn đưa về các xã nhằm tuyên truyền về động đất. 

Ông Mai Xuân Mậu - Chủ tịch UBND xã Măng Cành – cho biết, trong các đợt tuyên truyền về phá rừng, lấn chiếm, xâm hại rừng, cán bộ xã có lồng ghép thêm chương trình về động đất. Sáng sớm hoặc chiều tối, cán bộ xã mới gặp được bà con để tuyên truyền, do cả ngày bà con bận đi làm rẫy nên công tác vận động còn gặp khó khăn.

“Động đất xảy ra thường xuyên, xã động viên bà con bình tĩnh, tránh hoang mang, lo sợ làm tình hình thêm rối ren. Chính quyền không thể nào bỏ bà con lại trong cơn thiên tai, hoạn nạn. Hiện nay động đất nhiều quá đôi khi lại trở thành quen”, ông Mậu chia sẻ. 

Còn ông Lê Đức Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông – cho biết: “Huyện làm công tác tuyên truyền thường xuyên, có thể các tờ rơi bà con xem xong rồi vứt đâu đó”.

Đến trưa nay 24.8, đoàn công tác văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đến trung tâm huyện Kon Plông để họp bàn, nghe báo cáo, kiến nghị thêm về tình hình động đất. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường kỹ năng chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

Tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án và sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn