MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân xóm ngụ cư trăn trở trước quy hoạch sông Hồng

ĐỨC ĐÔNG - QUÁCH DU LDO | 24/03/2021 18:54
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được TP.Hà Nội thống nhất lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, để tiến tới phê duyệt vào tháng 6 tới. Việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của những người dân ở những xóm ngụ cư ở bờ sông Hồng.

Quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Căn cứ vào quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, các bãi sông sẽ được nghiên cứu phát triển thành khu đô thị mới hoặc không gian mở (quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...).

Quy hoạch sông Hồng sẽ khiến không ít người dân đang sinh sống ở khu vực 2 bên bờ sông Hồng sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Đức Đông

Chính vì vậy, không ít hộ dân ở bãi giữa sông Hồng đoạn qua cầu Long Biên sẽ bị ảnh hưởng. Khu vực này có xóm phao là nơi cư trú tạm bợ của khoảng 30 hộ dân. Họ đến từ nhiều tỉnh khác nhau và lên Hà Nội mưu sinh bằng các nghề lao động phổ thông. Đất bãi ở 2 bên bờ sông là phương tiện mưu sinh và là chỗ ở của họ. Họ sống lênh đênh trên những bè nổi, thiếu thốn cả điện và nước.

Xóm phao với khoảng 100 nhân khẩu sống trên bè nổi thiếu thốn đủ thứ.

Ông Nguyễn Đăng Được - Trưởng xóm phao - cho biết, ở đây hiện có 32 hộ với khoảng 100 nhân khẩu sinh sống, đến từ nhiều địa phương khác nhau. Để tiện cho việc sinh hoạt cũng như không phải trả chi phí tiền thuê đất ở trên bãi, các hộ trong xóm đã dựng những căn nhà tạm làm trên bè, thùng phuy hoặc phao để ở.

Theo ông Được, cuộc sống ở đây vốn đã tạm bợ nay khi nghe được thông về quy hoạch sông Hồng khiến người dân ở đây cũng không khỏi lo lắng vì nếu bị giải tỏa, họ sẽ không biết phải di chuyển đi đâu. Tuy nhiên, vì lợi ích chung để Thành phố Hà Nội được phát triển hơn, người dân trong xóm cũng sẽ di dời.

Ông Nguyễn Đăng Được - Trưởng xóm phao - trăn trở sau khi có quy hoạch sông Hồng.

“Điều mong muốn chung của người dân trong xóm là cơ quan chức năng sớm hoàn thiện quy hoạch cụ thể và hỗ trợ cho người dân ở đây để có chỗ ăn ở sạch sẽ, ổn định hơn. Ngoài ra, việc di dân là hợp lý để thành phố quy hoạch các khu văn hóa, sinh thái cho người dân Thủ đô sinh hoạt văn minh, sạch sẽ. Điều đó cũng tránh được tình trạng nhiều gia đình ở trên bờ có nhà cửa khang trang vẫn “nhảy dù” xuống bãi giữa sông Hồng làm nhà bè để lấy chỗ vui chơi” - ông Được tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Thành (85 tuổi) đã sống gần cả cuộc đời ở ven sông Hồng cũng mang nhiều trăn trở. Ông cùng vợ chỉ ở trong một chiếc bè nổi lênh đênh dưới chân cầu Long Biên. Chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình chỉ dựa vào việc nhặt ve chai kiếm vài chục nghìn đồng để sống qua ngày, đoạn tháng.

Ông Nguyễn Văn Thành (85 tuổi) sống cùng vợ ở trên chiếc bè nổi cũ kĩ.

Theo ông Thành, nếu phải di dời, gia đình ông không biết đi về đâu, trông chờ vào đâu. Ông mong nhà nước và chính quyền có những hỗ trợ cụ thể giúp gia đình của ông có nơi ở ổn định để sinh sống.

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quốc Văn - Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên - cho hay, hiện tại địa phương đã nắm bắt được thông tin về phương án quy hoạch sông Hồng, nhưng vẫn phải chờ được phê duyệt.

Ông Văn mong rằng, thành phố sớm có quy hoạch cụ thể ở sông Hồng qua đó để giải quyết vướng mắc cho việc đầu tư, xây dựng ở khu vực này. Khi đã có quy hoạch cụ thể, phường sẽ lên kế hoạch cụ thể để hỗ trợ người dân đang sinh sống ở ngoài bãi giữa sông Hồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn