MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng rào chắn trên phố Hoàng Đạo Thuý, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thảo Phương

Người đi bộ né chỗ này, tránh chỗ kia với muôn kiểu rào chắn, bảo vệ vỉa hè

Thảo Phương LDO | 23/05/2023 09:27

Nhiều cơ quan, ban quản lý tòa nhà sử dụng biện pháp giăng dây, dựng rào chắn để ngăn phương tiện lấn chiếm vỉa hè.

Thời gian vừa qua, Hà Nội đẩy mạnh chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự đô thị. Tuy nhiên, theo ghi nhận, chỉ cần lực lượng chức năng dời đi hoặc không thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhiều tuyến hè phố lại bị lấn chiếm.

Rào chắn nằm dưới lòng đường tại 18 Lê Văn Lương. Ảnh: Thảo Phương

Trước tình trạng phương tiện giao thông tự ý leo lên vỉa hè, một số tòa nhà, cơ quan đã dựng nhiều kiểu rào chắn khác nhau. Từ xô nhựa, lốp xe đổ bê tông đến những thanh chắn sắt, tất cả đều được tận dụng tối đa. Tuy nhiên, biện pháp này vô hình trung lại gây khó khăn cho người đi bộ.

Nhiều thanh chắn nằm giữa vỉa hè trước tòa nhà MobiFone gây khó khăn cho người đi bộ. Ảnh: Thảo Phương

Trước tòa nhà MobiFone trên phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, nhiều thanh chắn sắt và biển cấm đỗ xe được đặt giữa vỉa hè. Biện pháp truyền thống của ban quản lý tòa nhà có thể ngăn xe ôtô nhưng cũng khiến người đi bộ khó xử khi phải né chỗ này, tránh chỗ kia.

Những rào chắn được đặt so le trước tòa nhà 34T phố Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa. Ảnh: Thảo Phương

“Mỗi sáng mình đều chạy bộ qua khu vực này và luôn phải để ý những thanh rào chắn sắt được dựng trên vỉa hè. Không chỉ xung quanh tòa nhà này mà trên nhiều đoạn đường khác cũng vậy, nếu lơ là khi di chuyển có thể vấp ngã ngay”, chị Phạm Thị Vân (33 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ.

Rào chắn dưới lòng đường tại khu phố thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thảo Phương

Khoảng hè phố Hoàng Đạo Thuý, quận Cầu Giấy, nơi thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi để phương tiện đã được dựng rào chắn bằng thanh sắt và khối bê tông lớn. Thậm chí khu vực dưới lòng đường cũng được chăng dây để các phương tiện giao thông không thể leo lên vỉa hè.

Người đi bộ sử dụng lòng đường khi vỉa hè có quá nhiều vật cản. Ảnh: Thảo Phương

Trên phố Nguyễn Thị Định, một số hàng quán đặt chậu hoa lớn và nhiều biển cấm đỗ xe trước cửa. Người đi bộ cũng vì thế mà bị đẩy xuống lòng đường.

Thùng sơn cũ đổ bê tông được dùng như rào chắn tại tòa nhà Starcity. Ảnh: Thảo Phương

Ban quản lý tòa nhà Starcity, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân dùng các thùng sơn cũ đổ bê tông, cắm cọc sắt để giành lại vỉa hè.

Một bảo vệ tòa nhà cho biết, vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện leo lên vỉa hè gây vỡ gạch lát nên cần phải dùng biện pháp như vậy.

Hàng loạt rào chắn vừa ngăn phương tiện giao thông, vừa cản người đi bộ. Ảnh: Thảo Phương

Trao đổi với Báo Lao động, TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết: “Ban quản lý tòa nhà có quyền thay mặt cư dân thực hiện công tác quản lý đối với khu vực sử dụng chung như vỉa hè. Tuy nhiên, việc quản lý như thế nào cũng phải tuân theo quy định của pháp luật, tránh gây phiền hà cho người đi bộ”.

Biển cấm đỗ xe và rào chắn giữa vỉa hè trên đường Tố Hữu, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thảo Phương

Theo Luật sư Cường, tùy trường hợp, những rào chắn được đặt ở vỉa hè hay nằm trong phần sử dụng chung của các khu chung cư mà sẽ có điều lệ xử lý riêng. Nếu đặt ở đường phố thuộc khu vực quản lý của nhà nước thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/NĐ-CP trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp. Ảnh: NVCC

Căn cứ khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Hành vi tự làm rào chắn cản trở giao thông qua lại có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.

“Nếu các biển báo, các thiết bị phục vụ cho công tác quản lý đặt ở trên khu vực sử dụng chung của tòa nhà chung cư thì không thể áp dụng Nghị định 100 để xử phạt vi phạm hành chính mà sẽ theo quy chế quản lý nhà chung cư, theo sự đồng thuận của cư dân”, Luật sư Cường nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn