MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người H'Mông vui Tết Độc lập

Vân Anh LDO | 02/09/2024 07:08

Vào dịp Quốc khánh 2.9, hàng vạn đồng bào dân tộc H'Mông từ Sơn La và các tỉnh lân cận lại nô nức đổ về Mộc Châu để chung vui ngày Tết Độc lập. Đây là một nét văn hóa độc đáo bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm đặc biệt đối với Đảng và Bác Hồ.

Mừng ngày đất nước Độc lập

Những ngày này, đồng bào dân tộc H'Mông nói riêng và nhân dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nói chung đều háo hức sắm sửa chuẩn bị cho ngày lễ lớn của dân tộc sắp diễn ra. Giữa dòng người đông đúc và rộn ràng, những tốp chàng trai, cô gái H'Mông trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu thướt tha xuống chợ. Tất cả đều hướng về ngày hội lớn của đất nước, dân tộc, ngày Tết Độc lập.

Theo lời kể của bác Tráng A Lứ (SN 1957, nguyên Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Mộc Châu) - từ khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2.9.1945), đồng bào người H'Mông chọn ngày này là Tết Độc lập, như một dịp lễ trọng đại bậc nhất trong năm.

“Để tưởng nhớ công lao của những người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (31.8 - 2.9) là thời điểm người H'Mông tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật náo nhiệt, thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Mỗi năm vào dịp này, đồng bào về đây để gặp gỡ, kết giao tình thân và vui chơi thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả”, bác Lứ chia sẻ.

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Vào ngày Tết Độc lập, người dân tộc H'Mông từ khắp các tỉnh lân cận đổ về Mộc Châu, mang theo những bộ trang phục rực rỡ nhất. Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn; gái thì mặc váy hoa, đeo vòng bạc.

Theo anh Tráng A Chu (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ), gần đến ngày 2.9, các gia đình đều dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị trang phục mới đón Tết Độc lập. Theo quan niệm của người H'Mông, Tết Độc lập quan trọng như ngày Tết truyền thống.

“Trước ngày Tết Độc lập, mọi gia đình trong xã đều cố gắng lao động để có tiền, rồi chờ đến ngày Tết Độc lập sẽ đi chơi, giao lưu, gặp gỡ anh em, bạn bè, người thân. Người H'Mông chúng tôi dù ai, hay đi làm thuê ở xa, nhưng cứ đến ngày 2.9 đều cố gắng về nhà để cùng gia đình ăn cái Tết Độc lập. Mình mong muốn năm tới huyện sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để người đồng bào dân tộc H'Mông được vui chơi thỏa thích" - anh Chu nói.

Cũng theo anh Chu, không gian văn hóa đặc sắc của Tết Độc lập không thể thiếu là các lễ hội truyền thống và trò chơi dân gian như thi giã bánh dày, thi nấu cơm, tung còn... Đây là dịp để những giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Một trong những điểm nhấn được bà con mong chờ nhất trong dịp Tết Độc lập là lễ hội chợ Tình, diễn ra vào ngày 1.9. Được biết đến như một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người dân tộc H'Mông, chợ Tình là nơi để thanh niên nam nữ trao gửi tình cảm, đồng thời trao đổi mua bán hàng hóa.

Anh Tráng A Chu chia sẻ: “Chợ Tình là nơi giao thoa văn hóa và là dịp để mọi người vui chơi, hẹn hò sau những ngày lao động vất vả. Người H'Mông, trong trang phục truyền thống đẹp nhất đến chợ không chỉ để tìm bạn đời mà còn để kết bạn và giao lưu. Các chàng trai thổi khèn, trong khi các cô gái mặc váy hoa rực rỡ và đeo vòng bạc lấp lánh”.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ - đánh giá, người H'Mông có cách đón Tết Độc lập mang ý nghĩa sâu sắc về lịch sử và văn hóa. Đối với họ, đây là dịp để bày tỏ lòng biết ơn tới Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước đã mang lại hòa bình, độc lập cho đất nước, đồng thời phát huy đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn