MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người khổng lồ Nguyễn Văn Y đang bị bệnh và đối diện với một tương lai mịt mờ. Ảnh: Trường Sơn

Người khổng lồ miền Tây từng làm việc bằng 2, 3 người “côi cút” lúc về già

Trường Sơn LDO | 27/08/2018 12:54

Qua rồi thời nuôi sống cả gia đình bằng sức mạnh phi thường của mình, nay “người khổng lồ”  Văn Y (62 tuổi, ngụ ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) phải vật lộn với bệnh tật, tương lai mịt mờ.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (52 tuổi, em út, gọi ông Y là anh Hai) thì trước khi 6 anh em ruột trong nhà bà được sinh ra thì mẹ bà đã trải qua nhiều lần sinh nở nhưng mơ ước về một người con vẫn xa vời. Nghe một người dì nói có một bé trai kháu khỉnh mới 3 ngày tuổi bị mẹ bỏ rơi ở huyện Bình Thủy, cha mẹ bà liền tức tốc đến nhận xin về làm nuôi.

Từ ngày ông Y xuất hiện, mẹ bà sinh được 6 người con. Bà Phượng kể, sau một thời gian, ông Y lớn nhanh như thổi và giống người nước ngoài. Một số người khẳng định anh ấy là người Phi Luật Tân (tên phiên âm tiếng Việt của Philippines - PV).

Ông Nguyễn Văn Hóa – cha nuôi ông Y – kể rằng dù gia đình đã đưa ông đến nhiều trường, tìm gặp nhiều thầy nhưng ông cứ học trước thì quên sau nên vẫn không xong được tiểu học.

Khi gia đình gặp nhiều biến cố, kinh tế sa sút, ông dùng sức mạnh phi thường của mình nuôi sống cả nhà. Với chiều cao hơn 2m, nặng hơn 100kg, ông làm việc bằng 2- 3 người thường. Cục bùn nặng hàng chục ký, ông dùng tay ném từ bên này sang bên kia con mương một cách nhẹ tênh. Người thường vác 1 bao thì ông vác 3-4 bao lúa. Tiền công kiếm được bao nhiêu, ông đưa hết cho cha mẹ, tuyệt nhiên không giữ lại cho mình đồng nào.

Ông Y trước ngôi nhà đơn sơ mà những người làm từ thiện gom tiền giúp để ông có chỗ chui ra chui vào. Ảnh: Trường Sơn

Lúc khoảng 25-40 tuổi, ông có thể ăn một mạch hết 4 lon gạo hoặc 5 gói mì tôm còn chè xôi nước thì ông ăn hết 25 chén - mỗi chén 2 viên to. Chân ông quá lớn nên không có giày dép nào mang vừa, phải đi đặt riêng. Tuy nhiên, mang được vài bữa thì dép hỏng. Quần áo cũng vậy, nhiều người thương mang tặng mấy xấp vải, em út dẫn ông ra tiệm, tiền may còn nhiều hơn tiền vải.

Ông nói: “Người như tui thì ai dám cưới nên chỉ sống với cha mẹ thôi. Giờ giá yếu rồi, sống được chừng nào hay chừng nấy”. Niềm vui của ông bây giờ là lên chùa nghe kinh Phật. Lúc rãnh rỗi, chiếc radio trở thành vật bất ly thân của ông.

Hàng xóm cho hay, từ nhỏ tới lớn ông hầu như không gây gổ với ai, được bà con thương yêu, thi thoảng có gì ngon thì mang cho ông một ít và tặng cho ông biệt danh “người khổng lồ tốt bụng”.

Sống côi cút trong quãng đời còn lại, ông Y làm bạn với chiếc radio để nghe cải lương, vọng cổ. Ảnh: Trường Sơn

Cách đây mấy năm, một mắt của ông bị mất thị lực, sa đường ruột và bị bệnh trĩ nội. Cha nuôi già yếu, anh em cũng chả khấm khá gì nên ông dần trở thành gánh nặng. Thấy hoàn cảnh đáng thương, một người nước ngoài giúp cho số tiền để ông có được mái nhà đơn sơ, có chỗ chui ra chui vào.

Ông Lê Văn Hom – em rể ông Y – cho hay, mấy hôm trước có cán bộ xã đến thăm, đưa ông Y ra bệnh xá khám bệnh. Các bác sĩ nói mắt ông bị đục thủy tinh thể, ông thuộc diện hộ nghèo nên được tài trợ tiền mổ mắt. Tuy nhiên, chứng sa đường ruột và bệnh trĩ của ông thì đang nặng, phải điều trị gấp.

“Vợ chồng tôi giờ cũng nghèo, cha tôi thì già yếu rồi nên chỉ lo được cho anh Y ăn uống hàng ngày chứ chẳng thể lo được số tiền lớn để chữa bệnh cho ảnh. Giờ chỉ mong được xã hội hỗ trợ cho một phần nào đó để anh tôi có cơ hội chữa bệnh”- giọng ông Hom nghèn nghẹn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn