MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt không có đường tiếp cận dành cho người khuyết tật. Ảnh: Lương Hạnh.

Người khuyết tật gặp khó khi tiếp cận giao thông công cộng

LƯƠNG HẠNH LDO | 07/08/2022 17:31

Đường dành cho người khuyết tật giúp họ chủ động hơn trong việc đi lại và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hạng mục này chưa được chú trọng trong quá trình xây dựng và vận hành các công trình, phương tiện giao thông công cộng. 

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, hầu hết trạm xe buýt công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đều không có đường tiếp cận dành cho người khuyết tật. 

Tại một số điểm dừng đón khách trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học... hầu hết phương tiện đều không phù hợp cho người tàn tật sử dụng, như cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn, điểm dừng xe buýt không có đường tiếp cận để người khuyết tật có thể lên xe...

Chưa kể, trong nhà chờ, các điểm bán vé, lối vào cũng không thuận tiện cho người khuyết tật. Lối duy nhất vào nhà chờ xe bus nhanh Thành Công, Hà Nội qua cây cầu đi bộ. 

Khu vực đón - trả khách tại Mỗ Lao, Hà Đông không có đường tiếp cận dành cho người khuyết tật. Ảnh: Lương Hạnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội - cho biết: Khoảng thời gian từ 5-7 năm trở lại đây, tất cả các công trình thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đều có đường tiếp cận cho đối tượng này. Đối với một số công trình cũ cũng đã được sửa sang và nâng cấp. 

Những năm trước đây, Hội Người khuyết tật thành phố đã vận động các cơ quan nhà nước, các nhà tài trợ và xây dựng hàng trăm công trình, vị trí người khuyết tật thường xuyên đến tiếp cận như: Nhà văn hóa, bưu điện, trụ sở trung tâm dạy nghề, UBND… Hầu hết các công trình, địa điểm mà người khuyết tật mong muốn đến và sử dụng đều đã có đường tiếp cận.

"Có thể nói một cách chủ quan là khoảng 80% các công trình đều đã có đường tiếp cận dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, đối với các công trình quá cũ thì không có", ông Hà nhận định. 

Khi được hỏi về phương tiện công cộng là xe buýt chưa có đường tiếp cận dành cho người khuyết tật, ông Hà chia sẻ: "Xe buýt thì chưa ổn, chỉ có khoảng 2 cái có thang nâng làm đường tiếp cận cho người khuyết tật trên cả nước". 

Theo ông Hà, các công trình, phương tiện công cộng chưa có đường tiếp cận vì trong các bước duyệt của thành phố hoặc bộ phận xây dựng có thể họ bỏ qua khâu đó.

"Trong luật là có yêu cầu, trong hướng dẫn của Bộ Xây dựng cũng có yêu cầu nhưng một số chủ đầu tư cắt bớt đi. Có thể họ quan niệm rằng trông những điểm tiếp cận không được đẹp lắm", ông Hà cho hay.

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội cũng bày tỏ, những nơi thuộc công trình nhà nước tại thời điểm này không có đường tiếp cận dành cho người khuyết tật đều cần phải can thiệp, tác động để các cấp, các ngành liên quan tiếp tục quan tâm, đầu tư, xây dựng. 

Trước đó, clip ngắn về một người đàn ông tật nguyền (không có tay, chân) đứng chờ xe buýt gần 2 giờ đồng hồ dưới trời nắng nóng nhưng không có xe buýt nào cho lên đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Trong clip được người dân quay lại, người đàn ông tật nguyền cho biết đã đợi 3 chuyến xe buýt chạy qua nhưng không lên xe được. Đến chuyến thứ 4, xe buýt cũng đi qua. Chỉ đến khi có một người đàn ông đứng ra vẫy xe buýt rồi bế người khuyết tật này lên xe thì mọi chuyện mới kết thúc. Sau khi clip này xuất hiện, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự thương cảm với người đàn ông khuyết tật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn