MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không có công việc, ông Hiếu sẽ phải bán chiếc xe máy là phương tiện "kiếm ăn" duy nhất để đóng tiền nhà trọ. Ảnh: Lương Hạnh

Người lái xe ôm "lay lắt" sau giãn cách xã hội

LƯƠNG HẠNH LDO | 27/09/2021 19:34

Hà Nội kết thúc đợt giãn cách xã hội cũng là lúc lao động tự do làm nghề xe ôm lao ra đường kiếm sống, bởi nếu cứ ở nhà, họ không biết phải tiếp tục như thế nào với cuộc sống vốn đã khó khăn trăm bề...

Bán xe máy để đóng tiền nhà trọ

Bến tàu, xe… luôn là nơi lao động tự do làm xe ôm tập trung nhiều nhất. Thế nhưng, khi Hà Nội phải giãn cách xã hội, các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy… đều phải dừng hoạt động. Việc này đã khiến rất nhiều lao động tự do, đặc biệt là những người “bám” vào bến xe thất nghiệp, mất việc làm. 

Theo ghi nhận của PV, dọc các cửa ngõ ra vào bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), hiếm hoi lắm mới thấy 1-2 tài xế xe máy ngồi chờ khách. Ông Nguyễn Mạnh Hiếu (SN 1971) trú tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm đã chạy xe ôm gần 10 năm nay. Con trai được 2 tuổi, vợ ông đột ngột ra đi do bạo bệnh, ông Hiếu rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”.

Thấy PV đến hỏi chuyện ông Hiếu, một người phụ nữ bán nước gần đó chạy đến than thở: “Ông ấy khổ lắm rồi”. Trước khi có dịch, thu nhập mỗi ngày của ông Hiếu trung bình khoảng 300 - 400 ngàn đồng. Với số tiền này, ông đủ trả tiền thuê trọ và hai bố con sinh hoạt.

Lác đác vài người lao động chạy xe ôm chờ khách trước cổng bến xe Mỹ Đình. Ảnh chụp chiều ngày 29.7.

Dịch COVID-19 ập đến, ông Hiếu không có việc làm, không có lương, hai bố con ông sống bằng trợ cấp gạo, mì, trứng… từ chính quyền địa phương. Đáng buồn hơn, năm 2019, con trai của ông mắc căn bệnh suy thận phải chữa trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. 

“Ở đây có nhiều người khổ hơn tôi nhưng chờ cả ngày không có khách nên họ về phòng rồi. Từ sáng đến giờ, tôi chạy 2 chuyến, được 40 ngàn đồng”, ông Hiếu chia sẻ.

Tiền thuê nhà trọ hết 1,5 triệu đồng/tháng. Không có công việc, ông Hiếu đã nợ chủ trọ 2 tháng liên tục. Đến ngày 30.9, ông buộc phải đóng tiền nhà đã nợ. Chẳng còn cách nào khác, ông chỉ vào chiếc xe máy cũ nát, nói: “Chắc tôi phải bán cái xe này đi để trả tiền trọ. Còn tiền thừa thì mua cái xe cà tàng hơn đi kiếm ăn”.

Không có tiền mua bỉm cho con

Anh Bùi Văn Hình (SN 1986) quê Bắc Ninh, trú tại quận Nam Từ Liêm cũng rơi vào cảnh rất khó khăn. Hai vợ chồng anh có con nhỏ mới 13 tháng tuổi. 4 năm trước, anh Hình làm công nhân nhưng lương thấp, chế độ đãi ngộ và thời gian gò bó, anh quyết định nghỉ việc chạy xe ôm. Vợ anh Hình bán quán nước cũng phải đóng cửa. 

"Chạy xe ôm "tiền tươi thóc thật", giờ giấc cũng thoải mái hơn nhưng tôi không nghĩ có ngày cái nghề này lại mất đi vì dịch bệnh. Chờ mãi mới đến ngày giãn cách để đi kiếm cơm mà cũng chẳng có ai đi cả. Dịch nên họ toàn ở nhà thôi", anh Hình bày tỏ.

Vợ ở nhà từ lúc sinh con, mọi chi phí đổ lên vai người đàn ông trụ cột trong gia đình. Tháng 8.2021, khi Hà Nội vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội, anh Hình thậm chí không còn tiền để mua bỉm cho con. 

Anh Hình và những người lao động tự do chạy xe ôm rất mong được hỗ trợ. Ảnh: Lương Hạnh

Chiều, Hà Nội lác đác mưa, chiếc khẩu trang vải che khuôn mặt nhưng không che được ánh mắt đượm buồn của anh Hình. Thi thoảng, người đàn ông này lại lảng đi khi PV hỏi chuyện gia đình. Ngồi bên chiếc xe đã cũ, anh Hình nói như than: "Đàn ông mà không lo nổi cho vợ con thì chán lắm cô ạ". 

Trước đó, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, các loại hình vận tải sẽ được mở lại từng bước, thận trọng và tránh tình trạng người dân đi lại đông sau 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội.  

Căn cứ theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Hà Nội chia các mức độ để áp dụng. Sau Chỉ thị 15 sẽ áp dụng Chỉ thị 19. Tuỳ theo tình hình diễn biến dịch để đưa ra tỉ lệ cho từng loại hình vận tải hoạt động. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn