MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người lao động cao tuổi có vị trí đặc biệt trong thị trường lao động

Trần Kiều LDO | 27/03/2019 13:45
Thị trường lao động phân hóa thành nhiều nhóm đối tượng lao động, trong đó, nhóm lao động là người cao tuổi hiện nay vẫn chiếm một số lượng tương đối và có vị trí đặt biệt trong thị trường lao động.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ hiện nay là 55 tuổi và năm là 60 tuổi. Từ độ tuổi này trở lên khi tiếp tục tham gia lao động thì được coi là lao động cao tuổi.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc vẫn rất cao. Báo cáo Đánh giá tác động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc. Nhưng tỷ lệ làm việc của nhóm tuổi 70-79 và từ 80 tuổi trở lên giảm rất nhanh so với nhóm tuổi 60-69 (chỉ tương ứng là 30% và 11%). Tỷ lệ đi làm ở nam giới (45,3%) cao hơn nữ giới (34,9%).

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - ông Lê Quang Trung.

Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 48.000 người trên tổng số 120.000 lao động nghỉ hưu sẽ tiếp tục làm việc.

Những lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống, mong muốn được đóng góp và cống hiến những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc, làm chậm quá trình già hóa do tham gia làm việc.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - ông Lê Quang Trung cho biết, những người cao tuổi vẫn có khả năng làm việc. Khi tham gia vào thị trường lao động, họ có một vị trí đặc biệt. Bởi họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất đã được tích lũy qua thời gian. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt hơn; đồng thời ít bị tai nạn lao động hơn. Mặt khác, việc thỏa thuận sử dụng lao động ở nhóm đối tượng này cũng dễ dàng hơn các nhóm lao động khác.

Ở Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác trên thế giới có riêng chương trình sử dụng người lao động cao tuổi để hỗ trợ cho người cao tuổi tìm việc, hỗ trợ cho chủ lao động là người cao tuổi. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển người cao tuổi. Còn ở Việt Nam, qua khảo sát, lao động người cao tuổi trên 55 và 60 tuổi đang được sử dụng nhiều. Tại một số tỉnh thành như: Thái Bình, Hải Dương… và khu vực phía Nam, rất hài lòng với sử dụng người lao động cao tuổi.

 

Có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Họ tham gia làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp từ cổng vào như bảo vệ đến những công việc hành chính, phục vụ, kho, quản lý… Thậm chí, trong nhiều nhà máy của các doanh nghiệp, những dây chuyền sản xuất có sự tham gia của người lao động cao tuổi. Dù chỉ làm những công việc giản đơn, nhưng họ làm rất tỉ mỉ. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể nhiều hơn.

“Hiện nay, chúng ta có khoảng 7-8 triệu người cao tuổi khi tham gia thị trường lao động đã góp phần tạo ra kích cầu tốt hơn. Đặc biệt, khi chúng ta bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là người cao tuổi rất cần thiết”, Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Theo đó, hiện nay, Bộ LĐTBXH đang dự kiến sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho người cao tuổi để làm sao tận dụng phát huy được và tạo điều kiện cho người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Khi các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cần sử dụng người cao tuổi có thể liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm để có nguồn cung ứng.

Bằng việc tham gia vào thị trường lao động, những người lao động cao tuổi không chỉ tạo ra một vị thế mới mà còn đảm bảo được chất lượng cuộc sống từ nguồn thu nhập do làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn