MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Mạnh Hà đã làm công nhân kéo cáp quang tự do được 4 năm. Ảnh: Lương Hạnh

Người lao động chờ việc làm

LƯƠNG HẠNH LDO | 23/02/2023 06:30

Trở lại các khu trọ gần khu công nghiệp, từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán 2023, song nhiều người lao động vẫn ở phòng trọ chờ việc. Người may mắn cũng chỉ được đi một ngày rồi lại nghỉ cả tuần.

Làm một ngày nghỉ cả tuần

Anh Huy Vân (SN 1987, Thạch Thất, Hà Nội) đang thuê trọ ở khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Nghỉ học từ cấp 2, anh Vân theo chân những người đi trước học việc sửa chữa và lắp đặt nội thất trên địa bàn TP.Hà Nội, tính đến nay đã gần 20 năm. Là lao động có kinh nghiệm, có tay nghề nhưng anh Vân không xin vào các công ty. Khi có khách gọi sửa chữa, lắp đặt đồ nội thất anh Vân lại xách đồ nghề lên đường đi làm. Có ngày anh kiếm được 1-2 triệu đồng, có ngày chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có hôm anh không kiếm được đồng nào.

Khai xuân từ mùng 6 Tết Âm lịch, nhưng ít việc, anh Vân chỉ quanh quẩn trong phòng trọ. Để chống chọi cho những ngày này, anh đã tiêu tốn gần hết khoản tiền tích lũy từ trước.

Sống chật vật trong gần 1 tháng

Cũng trở lại công việc từ ngày mùng 6 Tết Âm lịch, anh Nguyễn Mạnh Hà (SN 1987, Quảng Bình) đã sống chật vật trong gần 1 tháng qua. Thời điểm này, anh và những lao động tự do khác không có việc làm, phải chắt bóp chi tiêu.

Anh Hà đã làm nghề kéo cáp quang suốt 4 năm. Trước kia, anh là lao động tự do, ai thuê gì thì làm nấy. Do quen biết với người họ hàng xa, anh được giới thiệu đến công việc kéo cáp quang tự do.

Ban đầu, anh Hà chỉ làm thuê để nhận tiền công, một ngày làm việc anh kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Dần dà, quen biết nhiều hơn và tạo được mối quan hệ với những công ty thuê lao động thi công kéo cáp quang, anh tự lập một nhóm công nhân cùng đi làm.

“Tôi chỉ là người đứng ra để nhận việc và chia việc cho mọi người. Trung bình một tháng chúng tôi làm từ 15 đến 20 ngày. Nhưng sau Tết, chưa nhiều việc, anh em cũng phải chờ đến hết tháng 2.2023” - anh Hà tâm sự.

Ngoài việc chịu trách nhiệm nhận dự án, trả lương cho những công nhân khác, anh Hà cũng đứng ra để thuê trọ, lo chuyện ăn, uống cho họ. 

“Mỗi phòng có giá 800.000 đồng/tháng, 3 phòng trọ đã tốn 2,4 triệu đồng chưa tính tiền điện, nước, tiền ăn… Tôi đứng ra nhận dự án và chi trả cho mọi người nên tôi cũng phải chi trả chi phí sinh hoạt cho họ. Sau Tết mang 12 triệu đồng lên Hà Nội chi tiêu giờ không còn đồng nào” - anh Hà chia sẻ.

Những hố chứa cáp quang đen ngòm, lõng bõng đủ loại nước bẩn, lềnh phềnh rác thải, ai cũng ái ngại... Thế nhưng, những lao động như anh Hà sẽ phải nhảy xuống để hoàn thành công việc. Ngoài ra, chủ yếu cáp quang nằm dưới lòng đất nên công nhân phải chờ đến khi đêm xuống, không có người qua lại mới có thể thực hiện công việc.

Báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn như dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp, chế biến gỗ. Những khó khăn này có thể kéo dài đến hết quý I/2023. 

Điều này cũng khiến việc bảo đảm việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tính đến ngày 24.1 vừa qua, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tập trung ở các ngành nghề dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp phụ trợ, chế biến gỗ… Có 637.491 lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường. Dự báo, trong 3 tháng tới, thị trường sẽ giảm khoảng 75.000 lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn