MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ có thể khám, chữa bệnh BHYT ở bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào. Ảnh: Nam Dương

Người lao động được khám, chữa bệnh BHYT ở bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào

Nam Dương LDO | 18/03/2023 08:29

Buổi đối thoại về những điểm mới của chính sách BHXH, BHYT do cơ quan BHXH TPHCM tổ chức ngày 17.3, đã giúp cho nhiều doanh nghiệp và CNLĐ trên địa bàn TPHCM hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về BHXH, BHYT. Từ đó, thực hiện đúng quy định để bảo đảm quyền lợi của  người lao động.

Vất vả vì người lao động tự ý tham gia BHXH nơi khác

Một trường hợp nhiều doanh nghiệp (DN) gặp phải đó là NLĐ đang làm việc và tham gia BHXH tại đơn vị của mình, nhưng lại ký HĐLĐ và tham gia BHXH với một DN khác. Theo quy định hiện hành, NLĐ có quyền ký HĐLĐ và làm việc cho nhiều DN trong cùng một thời gian, miễn là hoàn thành các nghĩa vụ theo HĐLĐ, nhưng chỉ được tham gia BHXH tại DN ký HĐLĐ đầu tiên. Thế nhưng, có nhiều NLĐ, vì lý do này, lý do khác, khi ký HĐLĐ làm việc với DN sau lại không khai báo là đã tham gia BHXH rồi. Thế là DN sau lại làm thủ tục tham gia BHXH cho NLĐ đó.

Do hiện nay BHXH đã sử dụng phần mềm tự động “lọc” thông tin về người tham gia BHXH để tránh đóng trùng, nên nếu nhận được thông tin người tham gia BHXH trùng khớp với thông tin trước (họ tên, số CMND/CCCD, ngày tháng năm sinh…), thì được hiểu là người đó đã chấm dứt HĐLĐ và không tham gia BHXH ở DN trước nữa và bắt đầu tham gia BHXH ở DN sau, trong khi thực sự người này vẫn làm việc cho cả hai nơi. Thế là vô hình chung, DN đầu lại trở thành không tham gia BHXH cho NLĐ của mình, dù hai bên chưa chấm dứt HĐLĐ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Trưởng phòng Truyền thông BHXH TPHCM - cho biết, hằng tháng cơ quan BHXH vẫn gửi chi tiết đóng BHXH, BHYT, BHTN (C12-TS) cho DN để kiểm tra, đối chiếu. Doanh nghiệp dùng phần mềm giao dịch điện tử trên dịch vụ công BHXH của mình, vào phần tra cứu C12 sẽ thấy được thông báo hằng tháng. Nếu DN không giảm lao động mà thấy số liệu BHXH trả lại dư tiền và giảm số NLĐ được đóng BHXH, thì nên liên hệ ngay với cán bộ thu BHXH để kiểm tra vì sao lại có sự chênh lệch như thế và kịp thời phát hiện trường hợp có NLĐ tự ý tham gia BHXH ở nơi khác để tránh phải làm thủ tục điều chỉnh quá trình tham gia BHXH của NLĐ sau này. Do đó, khi NLĐ ký HĐLĐ với DN sau thì cần thông báo đã đóng BHXH tại DN đầu tiên để DN sau chỉ đóng tiền vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Một vấn đề cũng được nhiều DN quan tâm là có những trường hợp DN vì lý do ít đơn hàng, NLĐ phải nghỉ hơn 14 ngày trở lên trong tháng, nhưng vẫn muốn được tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi sau này. Theo quy định hiện hành, NLĐ nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng, thì cả DN và NLĐ đều không phải đóng BHXH và tháng đó không được tính là thời gian tham gia BHXH để hưởng quyền lợi. Theo bà Phan Thị Mai - Trưởng phòng Quản lý thu - Sổ, Thẻ BHXH TPHCM - trường hợp NLĐ vẫn muốn tham gia BHXH để tính liên tục, thì nên tham gia BHXH tự nguyện để được cộng dồn thời gian đóng BHXH.

Giúp doanh nghiệp hiểu đúng quy định để bảo đảm quyền lợi người lao động

Một câu hỏi được nhiều DN quan tâm, đó là nếu lao động nam chưa đăng ký kết hôn, nhưng trong giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của con có ghi nhận lao động nam là cha, thì có được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5, 7, 10, 14 ngày không? Lý lẽ mà phía doanh nghiệp đưa ra, là theo quy định tại Khoản 2, Điều 34 Luật BHXH 2014 quy định: “Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản…”, trong khi lao động nam đó chưa đăng ký kết hôn thì người nữ đó chưa được gọi là vợ và không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định trên.

Đại diện cơ quan BHXH TPHCM cho biết, hiện nay, chỉ cần trong giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của con có ghi nhận lao động nam là cha của cháu bé và lao động nam đó đang tham gia BHXH thì sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Có DN lại đặt câu hỏi, hiện BHYT chưa được thông tuyến cấp tỉnh toàn quốc, nên NLĐ ở đơn vị có chi nhánh ở nhiều địa phương trong cả nước, sẽ gặp khó khăn nếu chẳng may bị bệnh khi đi công tác tại các tỉnh, thành khác với nơi đang tham gia BHYT. Về vấn đề này, đại diện cơ quan BHXH TPHCM cho biết, hiện nay BHYT đã được thông tuyến cấp huyện trong toàn quốc. Do đó, nếu NLĐ đã đăng ký khám BHYT tại bệnh viện cấp huyện ở địa phương này thì hoàn toàn được khám, chữa bệnh BHYT tại bệnh viện cấp huyện ở tỉnh, thành khác.

Bên cạnh đó, trường hợp NLĐ chuyển việc làm, tham gia BHXH, BHYT ở DN mới, nhưng vẫn mong muốn được giữ lại nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu như đã đăng ký ở DN cũ thì cũng được chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn