MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thu Huyền phản ánh sự việc đến phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Quế Chi

Người lao động không được công ty trả lương sau 4 tháng nghỉ việc

Quế Chi LDO | 01/08/2023 08:26

Báo Lao Động vừa nhận được đơn của chị Nguyễn Thu Huyền - nguyên là nhân viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Y tế Thăng Long tố công ty này không trả lương sau khi đã nghỉ việc nhiều tháng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Huyền cho biết, ngày 12.7.2022, chị và công ty ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm. Đến ngày 6.3.2023, chị làm đơn xin thôi việc với lý do cá nhân. Ngày 22.3.2023, công ty ra văn bản quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Huyền, thời gian kể từ ngày 1.4.2023. Ngay trong quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đã nêu rõ, lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của chị Huyền được chi trả tính đến ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Chị Huyền cho biết, chị đã hoàn thành bàn giao công việc cho nhân sự mới đến hết ngày 31.3.2023. Biên bản bàn giao có chữ ký của nhân sự mới. Như vậy, chị hoàn toàn có quyền chính đáng nhận lương và phụ cấp tháng 3.2023.

Trong tháng 4 và 5.2023, khi không thấy được trả lương vào tài khoản, chị Huyền đã gọi điện, lên văn phòng làm việc với kế toán và hành chính công ty thì được biết Giám đốc Công ty là ông Mai Văn Quế không duyệt chi lương cho chị.

“Khi tôi gọi điện cho ông Quế thì chỉ nhận được câu trả lời là cần giữ lương của tôi đến khi nào điều tra xem có bất cứ thiệt hại gì khi một loạt nhân viên cũ - trong đó có tôi - nghỉ việc gây ra không. Tôi có giải thích tôi không có lý do gì gây hại cho công ty và hỏi rõ thời gian nào được nhận thanh toán lương. Nhưng ông Quế chỉ nói tháng sau, không hẹn rõ ngày nào. Tôi đã xin ông Quế ứng lương trước một phần cho tôi vì tôi còn nuôi con nhỏ, mẹ già nhưng ông Quế không đồng ý” - chị Huyền kể.

Trao đổi với phóng viên, chị Huyền cho biết, từ khi nghỉ việc đến nay đã 4 tháng trôi qua nhưng chị vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán hay thông báo chính thức nào từ phía công ty. Dù chị đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin, lên văn phòng giải quyết, nhưng ban giám đốc tiếp tục trì hoãn, đưa ra lý do không hợp lý, hợp tình. “Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của tôi và gia đình” - chị Huyền bày tỏ.

Để có thông tin khách quan, nhiều chiều, ngày 25.7, phóng viên Báo Lao Động gọi điện đến số điện thoại của ông Mai Văn Quế đề nghị đặt lịch làm việc về vấn đề chị Huyền bị nợ lương. Ông Quế nói sẽ báo bên phòng hành chính liên hệ với phóng viên. Tuy nhiên, từ đó đến ngày 31.7, phóng viên không nhận được cuộc gọi nào từ phía công ty.

Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Ngoài ra, Điều 48 của Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Như vậy, hành vi chậm trả lương của công ty đối với chị Huyền là vi phạm pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, chị Huyền cho biết, chị yêu cầu công ty trả lương, phụ cấp cùng với số tiền lãi chậm trả để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn