MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động nghèo đang "chạy đua" với thời gian để có tiền lo Tết. Ảnh: PV

Người lao động nghèo chật vật "tăng ca" lo Tết

Huân Cao LDO | 15/01/2020 20:40

Những ngày cuối năm âm lịch, nhiều người lao động nghèo tại TPHCM càng tất bật chạy đua với thời gian để kiếm thêm ít tiền lo Tết Với họ, để mua được vài cân thịt, cân nếp trong những ngày Tết là cả một sự cố gắng vất vả không hề nhỏ.

Vì Tết nên phải dậy sớm và làm đến đêm mới về

Bà Trần Thị Chín rất vui bên chiếc xe ve chai đầy ấp hàng sau 1 ngày vất vả tìm mua. Ảnh: PV

Bà Huỳnh Thị Chín (54 tuổi, quê Bình Định) đã vào TPHCM làm nghề mua ve chai được 12 năm nay. Do hoàn cảnh ở quê khó khăn, để có tiền nuôi 5 người con, một mình bà bươn chải khắp ngõ đường để mua ve chai kiếm sống.

Năm nào cũng vậy, Tết bà cũng trở về với các con ở quê nhà. Tuy nhiên, để có thêm tiền trang trải mua sắm Tết cho các con, cũng như trả tiền vé xe về quê, bà Chín phải dậy từ lúc 5h sáng và rong ruổi đến 10h đêm mới về đến nhà trọ.

"Những ngày giáp Tết người ta dọn nhà nhiều, nên cô tranh thủ dậy sớm đi mua hàng và đến tối mịt mới về. Hoàn cảnh rất khó khăn, để mua được bộ quần áo mới cho con thì cô phải ráng làm như thế, chứ ngày thường làm bao nhiêu gửi về quê chi tiêu cho gia đình hết bấy nhiêu đâu còn dư đồng nào đâu" - bà Chín chia sẻ.

 Anh Hậu "chạy đua" với thời gian để kiếm thêm ít tiền lo tết. Ảnh: PV

Anh Lê Phúc Hậu (25 tuổi, quê Bạc Liêu) làm nghề bán keo dán chuột. Công việc của anh là hàng ngày chạy xe trên từng con hẻm, góc phố khắp quận Bình Tân và huyện Bình Chánh để bán keo. Trung bình mỗi ngày, trừ đi các khoản chi phí, anh Hậu chỉ kiếm được khoảng 100 nghìn đồng đủ trang trải chi tiêu. Tết càng đến gần thì anh Hậu càng nặng trĩu lo toan, bởi phải cố gắng làm thế nào để có thêm ít tiền mua quà biếu bố mẹ ở quê.

Để giải tỏa nỗi lo đấy, anh Hậu quyết định lấy thêm hàng và đi bán với thời gian kéo dài hơn. Trước đây anh đi bán về lúc 6h tối, buổi trưa thì về ăn cơm cùng vợ ở nhà trọ, thì những ngày cận Tết này, trưa anh không về nhà trọ nghỉ nữa, mà đi bán đến 11h đêm mới về.

"Đi làm cả năm trời, không lẽ về quê mà không biếu được bố mẹ đồng nào để mua sắm Tết. Nhưng công việc mình bấp bênh, làm chỉ đủ sống và chi tiêu qua ngày chứ không có dư. Vì vậy, Tết phải cố gắng đi bán nhiều hơn thì mới có dư ít đem về quê phụ với bố mẹ lo Tết" - anh Hậu nói.

Thay vì về nhà nghỉ trưa như trước, anh Hậu mắc võng bên lề đường để nghỉ ngơi nhằm tiết kiệm thêm thời gian. Ảnh: PV

Tết với người nghèo là thêm bao nỗi lo toan

Nỗi lo của bà Chín, anh Hậu cũng là nỗi lo chung của những người lao động nhập cư vào TPHCM buôn bán hàng rong. Bởi do tính chất công việc là mua bán hàng rong bấp bênh nên họ không có thu nhập ổn định. Tết lại không có được khoản tiền thưởng như những lao động làm công ăn lương, nên khó khăn càng thêm khó khăn.

Đối với nhiều người việc mua được con gà, cân thịt và cân nếp ngày Tết là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, đối với những người lao động nghèo thì đó là khoản lo mà họ phải cố gắng thật nhiều mới mua được.

"Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là cô phải quần quật làm việc nhiều hơn thì mới có thêm được ít tiền mua đồ cúng trong 3 ngày Tết. Gia cảnh khó khăn, nên cô đâu thể mua sắm đủ đầy như người ta được, với cô thì mua được vài cân thịt cho các con ăn ngon trong 3 ngày Tết là vui rồi". - bà Trần Thị Kia, quê Quảng Ngãi bộc bạch.

Để có tiền mua được vài cân thịt trong những ngày Tết, với bà Kia là cả một sự cố gắng. Ảnh: PV

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn