MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lao động lo lắng về túi tiền của mình trước những thông tin về việc giá sách giáo khoa tăng cao. Ảnh: Trần Trọng.

Người lao động và nỗi lo giá sách giáo khoa

Trần Trọng LDO | 23/07/2022 14:31
Hòa Bình - Thời điểm năm học mới cận kề, nhiều người lao động có con nhỏ lo lắng về việc giá sách giáo khoa tăng cao trong khi cơn bão giá chưa dừng lại. 

Trước tình trạng giá tất cả các loại mặt hàng dịch vụ ngày càng tăng cao, người lao động Hòa Bình chưa khỏi lao đao thì lại bước sang có thêm một nỗi lo mới khi chuẩn bị vào năm học 2022 - 2023.

Những thông tin về việc tăng giá sách giáo khoa, tăng học phí đã khiến người lao động có con đang đi học, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp phải loay hoay tìm hướng giải quyết dù còn hơn 1 tháng nữa thì mới bắt đầu năm học.

Ngày 22.7, PV có mặt ghi nhận tại một số hiệu sách tại TP.Hòa Bình, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng trước những khoản chi trong năm học mới của con, em mình. Hơn nữa, thông tin giá sách giáo khoa tăng cao gấp 2 - 3 lần so với bộ sách cũ càng khiến nỗi lo lớn hơn bội phần.

Năm học 2022 - 2023 sắp bắt đầu với nhiều thay đổi.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Mai Anh (41 tuổi, trú tại phường Phương Lâm, TP.Hòa Bình) lo lắng về chi phí học tập của 2 con nhỏ trong nhà: “Cháu bé nhà tôi học lớp 3, cháu lớn thì lên lớp 10, cả 2 đều thuộc diện học theo sách giao khoa chương trình mới. Những bộ sách này đều có giá cao nên dù còn khoảng 1 tháng nữa mới vào năm học nhưng tôi đang phải dành dụm tiền dần để lo cho các con”.

Các hiệu sách cũng bày bán rất nhiều các loại sách tham khảo, hỗ trợ cho học sinh với giá không hề rẻ. Đặc biệt là loại sách, vở dành cho các em nhỏ mẫu giáo, lớp 1 với giá trị lên đến hơn 100 nghìn đồng. Mức giá này, người lao động thu nhập trung bình khó có thể tiếp cận được.

Đối với những năm trước đây, các anh chị sau khi học xong sẽ để sách giáo khoa lại cho các em dùng tiếp. Việc này giúp nhiều gia đình giảm được 1 khoản chi phí không nhỏ.

Nhiều sách có giá cao khiến phần người lao động khó tiếp cận.

Không những chuyện sách giáo khoa theo chương trình mới có giá cao hơn, mà việc hướng dẫn các con, em của mình học tập cũng là nỗi trăn trở của nhiều gia đình. Vì việc thay đổi cả phương pháp dạy sẽ tạo ra sự khác biệt giữa giáo viên và các bậc phụ huynh, do chưa nắm được nội dung và phương pháp học mới.

Lên TP.Hòa Bình làm công nhân, anh Nguyễn Thế Hiệp (33 tuổi, quê ở huyện Lạc Thủy) chỉ mong được tăng ca nhiều hơn, có thêm thu nhập để lo học phí cho con vào đầu năm tới.

Chia sẻ về chuyện học hành của con trai năm nay lên lớp 2, anh Hiệp nói: “Không chỉ là chi phí sách giáo khoa mà trong thời điểm bão giá này các loại dụng cụ đồ dùng trong đầu năm học giá cũng có thể cao hơn nhiều. Năm trước, tôi đã phải chi khoảng 2 triệu đồng, năm nay không thể tránh khỏi việc con số ấy tăng lên”.

Chung nỗi tâm tư, nhiều bậc phụ huynh mong rằng trong thời gian tới, các cấp các ngành sẽ đưa ra sự hỗ trợ về giá sách giáo khoa, chi phí học tập giúp họ giảm nhẹ gánh nặng kinh tế. Đặc biệt là khi người lao động vừa phải oằn mình vượt qua đại dịch COVID-19 và chống chọi với cơn bão giá chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn