MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người nghỉ hưu gặp khó khi giá cả tăng

Thành Nhân LDO | 25/04/2022 10:50
Sau vài chục năm lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu để an dưỡng, nghỉ ngơi nhưng nhiều người lao động về hưu tại TP.Cần Thơ vẫn vất vả, chật vật khi mức lương hưu không đủ đáp ứng sinh hoạt.

Với nhiều lao động có tuổi, lương hưu được xem như là sự đảm bảo về mặt tài chính cho họ khi bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Thực tế, hầu hết những người đang hưởng chế độ hưu trí đều ở mức thấp, không đủ sống khi mức sống tối thiểu ngày càng tăng. Họ phải phụ thuộc vào người thân hoặc tiếp tục lao động sản xuất.

Là nhân viên kế toán của một doanh nghiệp đã về hưu năm 1994, bà Trần Thị Tươi (70 tuổi, cư trú ở quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cho biết, mức lương hưu trí hiện nay của bà hơn 4.200.000 đồng/tháng. Theo bà Tươi, trong bối cảnh vật giá tăng cao như hiện nay, mức lương hưu chưa đủ để trang trải sinh hoạt tối thiểu của bản thân, chưa kể chi phí chăm sóc y tế nếu không may đau ốm.

“Thời trẻ cả hai vợ chồng cố gắng lao động và mua được căn nhà. Cả gia đình 3 thế hệ đều ở chung căn nhà này. Con cái có công việc thu nhập cũng chỉ đủ chi sinh hoạt cá nhân và chi phí lo cho các cháu. Tôi và chồng nhận lương hưu tổng được gần 10 triệu đồng/tháng, chia ra mỗi ngày được chi 333.000 đồng nhưng bây giờ thực phẩm ngày càng đắt lên, rồi tiền điện, tiền nước, tiền gas… Hơn nữa, với nhiều mối quan hệ họ hàng, làng xóm, nên khoản chi tiêu cho ma chay, hiếu hỉ… cũng không phải nhỏ. Đấy là chưa kể lúc ốm đau, bệnh tật”, bà Tươi nói.

Cũng theo bà Tươi, nếu chẳng may một trong hai vợ chồng bị bệnh thì bà không biết sẽ xoay xở thế nào. “Tôi được biết, mỗi ngày nằm viện, chỉ riêng tiền phòng đã phải mất tới vài trăm nghìn đồng rồi thì lương hưu làm sao mà đủ được. Vì vậy, tôi chỉ cầu trời cho 2 vợ chồng luôn được khoẻ mạnh” - bà Tươi chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Chợ (ngụ ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cho biết: “Tôi mới vừa nghỉ hưu vào cuối năm 2021. Với hơn 32 năm công tác đóng bảo hiểm xã hội, hiện nay, mỗi tháng mức lương hưu trí nhận được là 5.076.000 đồng. Cuộc sống bây giờ cái gì cũng tăng giá, nên phải gắng làm việc cải thiện thêm thu nhập để có thêm khoản tài chính chi hằng ngày, được thêm chút nào thì đỡ chút ấy”.

Cả gia đình 4 thế hệ nhà bà Chợ ở chung căn nhà vùng nông thôn thuộc phường Long Tuyền. Chồng bà đã lớn tuổi, làm nông dân không có đóng bảo hiểm xã hội nên không có lương hưu.

“Gia đình có miếng đất vườn, khi tôi về hưu thì hằng ngày ngoài công việc chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già, còn cùng chồng canh tác trồng các loại cây ăn trái để kiếm thêm thu nhập. Nhưng với thu nhập như hiện nay thì rất khó khăn khi thực phẩm, tiền điện, tiền gas,... ngày càng tăng. Hằng ngày tôi phải tằn tiện dành dụm để có khoản tiền dùng để phòng ngừa chăm sóc sức khỏe, thăm khám, chữa bệnh cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cũng chẳng đáng là bao, nếu không may bị bệnh nặng thì không biết lấy tiền đâu ra để điều trị” - bà Chợ nói.

Theo bà Chợ, với mức lương hưu trí như hiện nay thì chưa đủ để sinh hoạt cá nhân bản thân, mà có thêm người “phụ thuộc” thì cũng phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu hằng tháng. Về chăm sóc y tế chuyên sâu thì sẽ là “ước mơ”  vì thu nhập không đủ để tiếp cận.

Ngoài ra, làm nông nghiệp hiện nay cũng rất bấp bênh, mỗi mùa chỉ lợi nhuận khoảng vài triệu đồng, có khi là thua lỗ. Như câu nói của người nông dân: “Tiền cũ đổi tiền mới” và cứ thế thì chất lượng cuộc sống sẽ càng ngày thấp xuống...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn