MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Võ Công Kỳ vẫn khỏe ở tuổi 76 nhờ luôn lạc quan, yêu đời. Ảnh: K.Q

Người nông dân học hết lớp 5 và nhiều công trình kiến trúc để đời

Kỳ Quan LDO | 16/07/2020 14:00

Ông là 1 nông dân có năng khiếu và đam mê điêu khắc, kiến trúc thiên phú. Nhà nghèo, trong hoàn cảnh chiến tranh, ông chỉ được học hết lớp Nhất (lớp 5 ngày nay) rồi nghỉ học ở nhà chăn trâu. Ấy vậy mà với tài điêu khắc học lóm, ông đã để lại cho đời nhiều công trình điêu khắc - kiến trúc có giá trị. Ông từng được chọn ở 2 cuộc thi kiến trúc - điêu khắc có sự tham gia của các bậc thầy trong nghề.

Ông tên là Võ Công Kỳ, năm nay 76 tuổi, nhà ở ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Đây vốn là vùng quê nghèo, bị chiến tranh tàn phá ác liệt. Như nhiều đứa trẻ cùng thời, ông Kỳ chỉ được học hết lớp Nhất (lớp 5 ngày nay), rồi nghỉ học ở nhà đi chăn trâu.

Ông Kỳ trong 1 chuyến du lịch nước ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Kỳ cho biết, thật ra ông đã biết chăn trâu từ lúc 6 – 7 tuổi, đi học 1 buổi, chăn trâu 1 buổi. Cũng chính nhờ đi chăn trâu mà ông biết mình có năng khiếu “nặn đất” khác thường. Chăn trâu ngoài đồng, sẵn đất ruộng, nhiều thời gian rảnh, ông lấy đất nặn thành những đồ vật, con vật xung quanh. Dưới bàn tay cậu bé, những con cá, con trâu, cái cày, chiếc xuồng, chiếc xe… lần lượt ra đời, ngày càng tinh xảo, đến nỗi những người lớn trong xóm phải xin về chưng trong tủ kiếng nhà mình.  

Một lần, lúc học lớp Ba, vì mê nặn đất, ông Kỳ nhờ người bạn coi trâu giúp và trả công bằng sản phẩm mình vừa nặn ra – một lực sĩ thể hình với những cơ bắp nổi cuồn cuộn như thật. Quá mê tượng đất ấy, hôm sau bạn của ông đã mang theo vào lớp học và thu hút sự quan tâm thú vị của cả trường, kể cả thầy Hiệu trưởng. Để rồi sau đó thầy Hiệu trưởng đặt “trò Kỳ” nặn bộ 4 hình tượng “Sĩ – Nông – Công – Thương” để tham gia triển lãm toàn ngành Giáo dục tỉnh Long An. Ông Kỳ đã hoàn thành tốt hơn mong đợi, ông nặn “trang phục” khoác lên người các hình tượng giống đến mức người xem tưởng là được may bằng vải thật.

Từ nặn đất, ông dần dà tập dùng chất liệu xi măng để tạo hình đồ vật cho các gia đình trong xóm, được trả tiền công. Tài tạo hình của ông lan ra khắp vùng, giúp ông có thể sống bằng nghề “điêu khắc miệt vườn”. Cùng với nghề "điêu khắc", ông Kỳ cũng tự học lóm vẽ trang trí, phong cảnh cho các công trình.

Đến cuối thập niên 1980, ông Kỳ có người cháu tốt nghiệp trường Mỹ thuật, mở công ty thực hiện các công trình điêu khắc - kiến trúc, ông Kỳ được mời về cộng tác. Từ đó cho tới khi về nghỉ cách đây chừng 10 năm, ông đã tạo ra không biết bao nhiều công trình điêu khắc - kiến trúc, nhiều nhất là các công trình đền đài, đình, chùa, miếu,…

Có 2 công trình ông nhớ nhất, vì ông chỉ “tham gia cho vui” chứ không mong được chọn, vì có sự tham gia của các nhà điêu khắc, kiến trúc bậc thầy mà ông rất ngưỡng mộ, nhưng cuối cùng tác phẩm của ông được chọn thực hiện.

Đó là công trình Công viên Thăng Long ở trung tâm Quận 5 TP.HCM và công trình Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cần Đước quê ông. Hình tượng 10 con "cá hóa long" quây quần quanh con rồng đang bay lên do ông “nặn mẫu” đã được chọn thực hiện làm điểm nhấn trung tâm của Công viên Thăng Long. Còn ở công trình Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cần Đước, ý tưởng các anh hùng liệt sĩ cùng hướng về Tổ quốc do ông thuyết trình đã thuyết phục được Hội đồng thẩm định và được chọn thực hiện. 

Hình tượng tại trung tâm Công viên Thăng Long (quận 5 TP.HCM), tác phẩm của ông Kỳ. Ảnh: K.Q
Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Đước được xây dựng theo ý tưởng của ông Kỳ. Ảnh: K.Q

Ông cũng là người được giao trùng tu Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh bên bến Bạch Đằng (quận 1 TP.HCM) vì bị xuống cấp sau hơn 20 năm chịu mưa nắng (tượng bằng bê tông cốt thép, xây dựng năm 1967).  

Tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1 TP.HCM) ông Kỳ từng trùng tu cách đây khoảng 30 năm. Ảnh: K.Q
Ông Kỳ thi công Công viên Khủng Long trong Thảo Cầm Viên TP.HCM. Ảnh: T.L
Ông Kỳ chế tác các hình tượng điêu khắc tại nhà mình. Ảnh: T.L
Ông Kỳ thực hiện tác phẩm “Cá vượt vũ môn hóa Rồng“. Ảnh: T.L
Chùa Hưng Minh Tự (Quận 6, TP.HCM), nơi ông Kỳ thực hiện phù điêu Rồng trên nóc chùa. Ảnh: T.L
Ông Kỳ lúc trẻ (phải) bên bức phù điêu do ông sáng tác tại 1 công trình lịch sử xã Tân Lân quê ông. Ảnh: T.L
Ngoài tài “điêu khắc“, ông Kỳ còn vẽ tranh trang trí các công trình. Ảnh: K.Q

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn