MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Phan Diệu Linh (Phường 5, TP Đà Lạt) đã trở thành cầu nối trồng hàng chục ngàn cây xanh ở khắp mọi nơi. Ảnh: Hồng Thắm

Người phụ nữ Đà Lạt trồng hàng chục ngàn cây xanh

Mai Hương LDO | 11/02/2024 19:00

Với niềm tin sẽ gieo được những hạt mầm hy vọng từ việc trồng cây, chị Phan Diệu Linh (Phường 5, TP Đà Lạt) đã trở thành cầu nối trồng hàng chục ngàn cây xanh ở khắp mọi nơi.

Không nhất thiết có đất, vẫn có thể trồng cây

Từ khi còn nhỏ, chị Phan Diệu Linh đã mang trong mình một tình yêu lớn với từng loại cây cối trên rừng. Chị nuôi ước mơ sở hữu cho mình một vườn cây xanh nhỏ, thế nhưng sống nơi thành phố chật chội và đắt đỏ, không dễ gì để chị thực hiện ước mơ đó.

Vì không có mảnh đất riêng để gieo trồng nên chị Linh đã nảy ra ý định tặng cây giống cho bạn bè. Điều khiến chị Linh bất ngờ là mọi người lại hào hứng và đăng ký nhận cây. Thậm chí, có người còn ở xa vài chục km sẵn sàng vượt khoảng cách và thời tiết mưa gió để đến nhận cây.

Chị Phan Diệu Linh đã mang trong mình một tình yêu lớn với từng loại cây trên rừng từ khi còn nhỏ. Ảnh: Vũ Ngọc Dũng

Theo lời kể của chị Linh, mỗi cây giống không đắt, chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng, nhưng khi thấy chúng được nâng niu, chăm sóc và phát triển một cách khỏe mạnh, chị thấy rất hạnh phúc.

Trong quá trình thực hiện ước mơ, chị Linh đã giúp mọi người hiểu được giá trị lớn nhất của dự án là không nhất thiết phải có đất, chúng ta vẫn có thể trồng cây một cách chủ động hoặc chia sẻ cây giống đến những người trồng cây tự do ở khắp nơi.

“Không thể trực tiếp trồng trên đất nhà mình thì có thể trồng trên đất của mọi người. Không cần có kinh nghiệm trồng cây… chỉ cần được biết cây của mình đang được trồng ở một nơi nào đó, đang sống và vươn lên, tôi cũng đã cảm thấy hạnh phúc rồi” - chị Linh chia sẻ.

Mỗi cây giống không đắt, chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng. Ảnh: Vũ Ngọc Dũng

Ngày qua ngày, chị Linh cứ thế cần mẫn nhận thông tin, ghi chép lại cẩn thận, liên hệ với vườn ươm để mua cây theo đúng số lượng người gửi yêu cầu. Sau đó, chị lại đăng lên facebook để tìm các cá nhân muốn nhận cây.

Ban đầu là vài chục cây mỗi tuần, đến giờ là vài trăm, thậm chí cả 1.000 - 2.000 cây mỗi tháng.

Dù hầu hết mọi kết nối giữa chị Linh và người tặng, người trồng cây đều chỉ thông qua mạng xã hội, nhưng mỗi ngày, nhận từng tin nhắn gửi về, chị Linh cảm nhận được giá trị thật và ý nghĩa từ việc làm của mình.

Tỉ lệ cây trồng thành công rất cao

Nhiều đơn vị, công ty khi biết đến dự án đã muốn hỗ trợ hàng chục triệu đồng nhưng chị Linh không nhận, bởi chị thấy rằng việc đó quá sức với mình. Chị Linh cho rằng mình chỉ muốn là người kết nối, làm những việc trong khả năng và đem lại niềm vui, không áp lực.

"Đến nay, dự án không phát sinh chi phí gì ngoài cây giống và vận chuyển. Có lẽ vì thế mà tỉ lệ cây trồng thành công rất cao, có thể lên đến 80 - 90%" - chị Linh nói.

Chị Linh cảm nhận được giá trị thật và ý nghĩa từ việc làm của mình. Ảnh: Hồng Thắm

Đầu năm 2022, phát triển từ sáng kiến "Vườn ở khắp nơi" của chị Linh, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt dự án Treebank tại TP Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến Cộng đồng Canada (CFLI), thuộc Đại sứ quán Canada tại Việt Nam,

Một "Ngân hàng cây xanh" được ra đời từ đó, với mục tiêu góp phần phục hồi đất rừng ở Việt Nam, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động xã hội nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Giờ đây, chị Linh có thể tự hào vì mình đang có rất nhiều vườn cây. Ảnh: Hồng Thắm

TreeBank dần phát triển với mô hình có phạm vi toàn quốc, trở thành một nhịp cầu tạo giá trị chung, góp phần cải thiện môi trường và tạo sinh kế bền vững.

Trong năm đó, hơn 11.000 cây xanh được điều phối trồng tại Lâm Đồng và một số tỉnh lân cận. Chỉ trong vòng 1 tuần, toàn bộ đã được các vườn đăng ký nhận. Cả dự án gần như không phát sinh thêm chi phí, ngoại trừ tiền mua cây và vận chuyển.

Mỗi cây trồng xuống đều có chủ, được chăm sóc tỉ mỉ và nâng niu như chính cách mà chị Linh và những người làm dự án hy vọng. Giờ đây, chị Linh có thể tự hào vì mình đang có rất nhiều vườn cây và hạnh phúc với công việc của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn