MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người Quảng ăn bánh tét tro ngày Tết

Người Quảng ăn bánh tét tro ngày Tết

Hữu Long LDO | 31/01/2022 12:00

Khác với những chiếc bánh tét truyền thống, một số vùng quê Quảng Nam sử dụng tro mè, lá muồng, vỏ đậu phộng đốt lấy tro rồi ngâm với nếp đắng trước khi nấu bánh. Bánh tét tro được tạo ra bởi sự công phu, tỉ mỉ của những người nông dân chân lấm tay bùn xứ Quảng. Năm hết tết đến, người Quảng lại quý nhau và tặng nhau vài đòn bánh tét tro làm quà…

Công phu nấu bánh tét tro

Làng Lộc Đại (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) là một trong số ít vùng quê nghèo xứ Quảng có thể trồng được loại nếp đắng. Tên là nếp đắng nhưng hoàn toàn không có vị đắng, mà trái lại nếp đắng ở làng Lộc Đại có cỡ hạt to tròn, dẻo và trắng trong. Như một cơ duyên, thứ nếp đắng truyền thống này khi kết hợp với một số nguyên vật liệu có sẵn sẽ tạo chiếc bánh tét tro không lẫn bất cứ nơi nào…

Bánh tét truyền thống xứ Quảng thường được gói bằng lá chuối, bên trong lá nếp thơm kèm nhân đậu xanh hoặc thịt heo. Riêng đòn bánh tét tro làng Lộc Đại cũng được gói bằng lá chuối thế nhưng điểm khác biệt là sử dụng lá rừng, xác tro mè, lá muồng, vỏ đậu phộng (hoặc lá thị) đốt lấy tro để làm bánh.

Bàn thờ của người Quảng không thể thiếu bánh tét.

Nghe thì phức tạp nhưng nếu tận mắt nhìn các công đoạn, nhiều người sẽ dễ dàng nắm được các công thức làm bánh tét tro. Cụ thể, nguyên liệu xác tro mè, lá muồng, vỏ đậu phộng… sau khi được đốt ra tro, người dân sẽ lọc lấy nước tro, ngâm với nếp đắng trong vài giờ đồng hồ trước khi gói bánh. 

Cụ Trần Thị Lạc (82 tuổi, người làng Lộc Đại) cho biết, sau khi nếp ngâm trong tro được vài giờ, người dân sẽ gói bánh bằng nếp, không sử dụng nhân bên trong như các loại bánh tét truyền thống. Cuối cùng, bánh được bỏ bên trong một chiếc nồi lớn, đổ nước ngập và nấu 2 ngày 2 đêm để đảm bảo độ nhuyễn và chín bánh.

Trước khi gói bánh tét tro, người dân trong làng thường lựa chọn những tàu lá chuối xanh mướt kèm ống nứa hoặc thân tre chẻ nhỏ làm dây buộc bánh.

Bà Trần Thị Lạc giải thích tỉ mỉ từng công dụng của các loại nguyên liệu trong quá trình làm ra một chiếc bánh tét tro. Theo đó, xác mè ngon bánh, tro lá kén đẹp bánh, lá muồng nồng bánh, vỏ đậu phộng mướt bánh.  Bí quyết tạo nên thương hiệu bánh tét tro của làng là các công đoạn đều được thực hiện thủ công, nguyên liệu từ thiên nhiên.

Quá trình nấu bánh tét tro trong 2 ngày 2 đêm, tất cả các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau đun lửa lớn để đảm bảo bánh có độ nhuyễn và chín.

Bánh tét tro sau khi nấu chín được đặt trên những chiến nong. Ảnh Nhiệt Băng

 Thức quà quê ngày Tết

Từ sau ngày ông Công ông Táo, người dân làng Lộc Đại bắt đầu nhóm lửa nấu bánh tét tro. Ngày cuối năm trời bắt đầu se lạnh nên nồi bánh tét tro trở thành nơi các thành viên trong gia đình quay quần trò chuyện, hàn huyên những câu chuyện đã qua.

Sau 2 ngày 2 đêm nấu bánh, những đòn bánh tét tro được vớt lên và sắp trong cái nong tre cho ráo nước. Nhìn từ bên ngoài, bánh tét tro chỉ bằng một nửa so với chiếc bánh tét truyền thống.

Người làng Lộc Đại làm bánh tét tro không bán mà để cúng ông bà trong những ngày Tết. Bánh cũng là thức quà quê để mọi người biếu nhau khi đi thăm nhà ngày bà con ngày đầu xuân.

Bánh tét tro ngon nhất khi được chấm với đường cát trắng.

Nhìn từ bên ngoài bánh tét tro khi chín sẽ có độ dẻo và màu bánh trong, thơm đặc trưng nhờ việc ngâm nếp trước đó.

Bánh được tét ra từng lát nhỏ và chấm với nước mắm nguyên chất hoặc đường cát trắng. Tuy vậy, ngon nhất vẫn là chấm lát bánh tét tro với đường trắng. Hương vị thơm ngon của bánh kết hợp với vị đường ngọt thanh sẽ kích thích vị giác của mọi người.

Ở Quảng Nam hiện nay ngoài huyện Quế Sơn thì có một số làng quê ở vùng Đại Lộc, Bắc Trà My, Thăng Bình... vẫn còn giữ được truyền thống nấu bánh tét tro trong dịp Tết.

Những ngày Tết, khi nhiều gia đình tiếp đãi khách quý bằng thịt cá, rượu bia ngấy đến tận cổ thì các vùng quê xứ Quảng lại tiếp khách quý với bánh tét tro trên các bàn ăn. Đòn bánh tét tuy giá trị vật chất không cao nhưng đó là tấm lòng của những người làng quê xứ Quảng gửi gắm vào trong từng lát bánh dẻo thơm.

Lì xì dịp tết cho ông bà là nét văn hóa của người Quảng nói riêng và nhiều vùng miền nói chung.

Cùng với truyền thống thờ cúng tổ tiên, mừng tuổi ông bà, bánh tét tro chính là một nét văn hóa ở làng quê xứ Quảng vô cùng độc đáo, không lẫn được ở bất cư nơi đâu trong dịp Tết đến xuân về.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn