MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người tham gia giao thông ở Đắk Nông đã biết sợ vi phạm nồng độ cồn

Phan Tuấn LDO | 17/04/2023 14:31

Khoảng 3 tháng nay, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Điều này đã khiến cho ma men từ bỏ thói quen điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia...

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn tài xế điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Ảnh: Minh Quỳnh

Người dân thay đổi nhận thức

Khoảng 3 tháng nay, Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an xã lập 22 tổ công tác với 4.132 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Hoạt động này được tổ chức cả ngày lẫn đêm, nhất là vào các khung giờ cao điểm buổi trưa và buổi tối. Nhờ đó, đến nay, người tham gia giao thông đã ý thức không sử dụng rượu bia khi lái xe.

Một ngày trong tháng 4, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn huyện Krông Nô. Quá trình làm việc, lực lượng chức năng đã ra hiệu lệnh dừng trên 200 luợt xe ôtô và môtô qua lại để đo nồng độ cồn của lái xe. Thế nhưng, lực lượng chức năng không phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Tương tư, tại huyện Cư Jút, lực lượng chức năng cũng kiểm tra trên 100 lượt tài xế điều khiển xe ôtô và môtô tham gia giao thông. Kết quả, sau khi Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn nhưng chỉ có 2 trường hợp vi phạm, đều là người lái xe môtô vi phạm. 

Không riêng gì các địa phương nêu trên, tại các huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil, Đắk Song và thành phố Gia Nghĩa, lực lượng chức năng đã ra hiệu lệnh dừng các phương tiện, đo nồng độ cồn nhiều tài xế điều khiển mô tô, ôtô nhưng không phát hiện rất ít trường hợp nào vi phạm.

Qua thực tế cho thấy người dân đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Nhiều người sau khi sử dụng rượu bia đã lựa chọn dịch vụ đưa đón bằng xe taxi, grab hoặc nhờ người thân quen chở về. 

Anh Lương Văn Nam - một người dân ở huyện Krông Nô cho biết: "Bản thân tôi xác định đã lái xe thì không uống rượu bia, dù chỉ một giọt. Đã uống rượu bia, điều khiển phương tiện tham giao thông là rất nguy hiểm, rất dễ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Tôi rất ủng hộ lực lượng chức năng làm nghiêm, thường xuyên, liên tục nhằm ngăn ngừa các trường hợp sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông". 

Ít cán bộ, Đảng viên vi phạm

Sau 3 tháng thực hiện nghiêm chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 1.442 trường hợp người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn.

Trong đó, có 91 người điều khiển ôtô, 1.351 người điều khiển môtô; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 563 trường hợp với tổng số tiền trên 2,4  tỉ đồng.

Trong đó, mức thấp nhất chưa vượt quá 0.25mlg/l khí thở là 1.028 trường hợp, mức cao nhất trên 0.4 mlg/l khí thở là 201 trường hợp.

Quá trình kiểm tra chỉ có 8 trường hợp cán bộ, Đảng viên, người có chức vụ vi phạm nồng độ cồn. Đối với các trường hợp này, lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý, tiến hành gửi thông báo vi phạm về nơi làm việc để có hình thức kiểm điểm tại đơn vị. 

Sau 3 tháng tăng cường kiểm tra quyết liệt và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ trong Nhân dân và cán bộ Đảng viên.

Qua đó, góp phần đưa khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện giao thông” đi sâu vào tiềm thức người dân, tạo chuyển biến thực chất, góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn