MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 20 năm "gieo chữ" trên vùng cao Yên Minh (Hà Giang), thầy Định không nhớ đã dạy bao nhiêu lớp xoá mù chữ cho đồng bào.

Người thầy dành nửa tuổi đời "gieo chữ" trên đá

Phong Quang LDO | 20/11/2021 13:01
Hà Giang - Mới 41 tuổi nhưng gần nửa cuộc đời gắn bó với miền sơn cước Yên Minh, Hà Giang để "gieo chữ". Với thầy giáo Bùi Hồng Định đó chỉ là sự đóng góp rất nhỏ bé cho giáo dục vùng cao vốn còn vô vàn gian khó.

Khó khăn chỉ là thử thách

Thầy giáo Bùi Hồng Định sinh năm 1980, tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Nhưng có lẽ cái duyên với miền núi đá đã đưa thầy Định lên vùng cao Yên Minh với công việc "trồng người" và gắn bó suốt hơn 20 năm qua.

Nơi thầy Định dạy và sinh sống là Trường phổ thông dân tộc tiểu học bán trú Ngam La (xã Ngam La). Nói đến địa danh này, nếu ai đã từng đến đều lắc đầu ngao ngán trước sự khó khăn cách trở về đi lại.  

Thầy Định về Ngam La từ năm 2001. Trường tiểu học Ngam La khi đó chỉ là một dãy nhà cấp 4, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, ăn nghỉ của giáo viên và học sinh thiếu thốn trăm bề. Còn điểm trường lẻ chỉ là nhà tranh, vách đất do đồng bào tự nguyện chung tay góp sức xây dựng lên.

Pờ Chừ Lủng, điểm trường đầu tiên thầy Định gắn bó trong nhiều năm khi về công tác tại Ngam La, để đến được đây chỉ có cách đi bộ bởi khi đó chưa có đường xe máy. Nói là điểm trường nhưng thực tế là một cái lán nhỏ bằng những cây tre mỏng manh được đắp một lớp đất mỏng để ngăn mưa gió.               

Nhưng sự thiếu thốn về cơ sở vật chất khi đó không làm thầy Định nản lòng, điều làm thầy trăn trở chính là việc học sinh đến lớp rất thưa thớt, có những hôm cả lớp học chỉ có 3 thầy trò nói nhau nghe.

Cuộc sống vùng cao gian khó, các em còn phải phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, việc nương rẫy. Không nghĩ nhiều, sau mỗi giờ dạy học, thầy Định lặn lội đến từng nhà, vào từng bản cùng trưởng thôn, trưởng bản vận động đồng bào cho con em đến trường. 

Thầy chia sẻ: "Với giáo viên vùng cao, am hiểu được phong tục, tập quán của địa phương cũng như những suy nghĩ của đồng bào quan trọng lắm. Học sinh vùng cao vốn rụt rè, sự tiếp thu bài cũng chậm hơn so với học sinh dưới xuôi nhiều, vì vậy phải có lòng kiên trì và tình yêu thương chân thành".

Rồi duyên phận tìm đến, cũng chính từ vùng núi đá Ngam La này, thầy Định đã tìm được một nửa của đời mình. Sau nhiều năm về Ngam La, thầy Định kết hôn với một cô giáo cùng trường nhờ sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ cho nhau. Cũng từ đó, thầy Định không nghĩ tới việc sẽ rời xa mảnh đất này.

Nghề chọn người

Với thầy Định, trở thành giáo viên vùng cao như duyên trời định vậy. Năm 1997, vùng quê Sơn Dương của thầy khó khăn lắm nhưng sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy vẫn quyết xung phong lên công tác tại huyện vùng cao Yên Minh.

Ngày mới về, thầy Định được phân công giảng dạy tại xã biên giới Phú Lũng, cách trung tâm huyện khoảng 40km với 6 tiếng đi bộ đường rừng. Có lúc nghĩ nản nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua.

Thầy Định nhớ lại: “Lúc đó ở Phú Lũng, cả trường chỉ có 11 giáo viên, thậm chí còn chưa có hiệu trưởng. Mình dạy ở điểm trường lẻ với 3 lớp học nhưng chỉ có 2 thầy giáo. Một người dạy 2 lớp phổ thông, người còn lại dạy 1 lớp phổ thông thì tối dạy thêm 1 lớp xóa mù chữ nữa. Thiếu thốn, vất vả nhưng nhiều kỷ niệm”.

Khi ấy, xã biên giới chủ yếu là học sinh người Mông không biết tiếng phổ thông, thầy trò giao tiếp gặp nhiều khó khăn, gần như chỉ dùng cử chỉ, động tác mô phỏng chữ được chữ không.

Trong cái khó ló cái khôn, từ những lớp học xoá mù chữ buổi tối nơi biên giới mà "học sinh" lại chính là phụ huynh các em, nhiều cụ già đã gần 80 vẫn đều đặn đến lớp để học từng chữ cái, thầy Định đã nói được tiếng đồng bào.

Thầy Định tâm sự: "Dạy những lớp này thực sự vất vả bởi khoảng cách về ngôn ngữ nhưng chính từ những lớp này, mình lại học được tiếng của đồng bào. Lúc đó vừa dạy chữ phổ thông vừa tự học tiếng nói địa phương. Đến khi kết thúc lớp học, đồng bào biết đọc, viết còn mình có thể tự giao tiếp cơ bản với bà con".

Đến giờ, thầy Định nói tiếng Mông giỏi không kém gì người địa phương. Trên lớp, thầy trò học bài bằng tiếng phổ thông, xuống bản thầy giao tiếp với đồng bào bằng chính ngôn ngữ của họ. Thầy Định cảm thấy mình giống như người của dân bản, một phần của vùng cao núi đá này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn