MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ Khanh và chuyên gia thám hiểm hang động Howard Limbert - Ảnh: Howard Limbert.

Người tìm ra hang Sơn Đoòng chỉ cách thoát hiểm khi du lịch mạo hiểm trong hang

Nguyễn Hà LDO | 10/07/2018 19:30

Hồ Khanh – người tìm ra hang Sơn Đoòng cho rằng để thực hiện các cuộc thám hiểm trong hang động, nhất định phải tìm hiểu kĩ thời tiết, cấu trúc hang động.

Những ngày qua, công cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt trong hang Tham Luang đang thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới. Điều kiện thời tiết mưa lũ cộng với cấu trúc phức tạp trong hang khiến quá trình giải cứu các cậu bé trở nên phức tạp và nguy hiểm. Làm thế nào để an toàn khi thực hiện các cuộc thám hiểm trong hang động và làm gì để bảo toàn sự sống nếu không may mắc kẹt trong hang là những câu hỏi được đặt ra.

Quan trọng nhất là thời tiết

Chia sẻ với Lao Động, ông Hồ Khanh – người đàn ông phát hiện ra hang Sơn Đoòng cho biết, muốn đi du lịch mạo hiểm trong các hang động, trước hết cần phải có sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm, người ở địa phương hiểu rõ điều kiện thời tiết. Thứ hai là những người làm về hang động – họ hiểu rõ cấu trúc của hang động và nguồn nước để việc di chuyển, thám hiểm trong hang được an toàn hơn.

Hồ Khanh được người dân trong vùng gọi là “vua hang động” . Ảnh: Đoàn thám hiểm - MQ

Ông Khanh cho biết, muốn đi các tour mạo hiểm ở hang động thì người tham gia bắt buộc phải nắm rõ tình hình thời tiết, cập nhật theo từng ngày để biết được lượng mưa. Thông thường khi vào các hang động, bị mắc kẹt chủ yếu là do trời mưa. “Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, điều quan trọng nhất vẫn là cập nhật tình hình thời tiết, xem ngày đi tham quan có xảy ra mưa lớn hay không” – ông Khanh nói.

Bên cạnh đó trước khi thực hiện một cuộc thám hiểm hang sâu, cần phải hỏi kinh nghiệm của những người đi trước xem hang đó có an toàn hay không, có thể xử lý được khi gặp mưa lũ hay không; còn nếu như hang động đó được cảnh báo không an toàn thì tuyệt đối không nên mạo hiểm.

Làm gì khi mắc kẹt trong hang?

Theo ông Hồ Khanh, ở trong các hang động nhiệt độ lúc nào cũng thấp, do có nước nên hầu như không lúc nào thiếu oxy, nước ở trong hang cũng có thể sử dụng được trong trường hợp cần thiết. Về ánh sáng tùy thuộc vào từng hang, nếu hang có lỗ thông thì ánh sáng vào nhiều, không có lỗ thông thì ánh sáng ít.

Việc thiếu ánh sáng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tùy theo thể trạng của từng người. Ông Khanh cũng cho biết tại các hang động nếu gặp lúc mưa lũ, nước lên thì áp lực nước tạo nên sự va chạm lớn vào các mảng đá trong hang, gây nên những tình huống nguy hiểm.

Nếu trong trường hợp mắc kẹt phải hết sức bình tĩnh để chờ các chuyên gia đến ứng cứu, không nên gây ra những hoang mang trong lúc không may gặp phải tình huống đó. Nên sử dụng hạn chế lương thực mang theo, lúc này cần xác định ăn để duy trì sự sống chứ không nên lãng phí, đề phòng cho trường hợp không may bị mắc kẹt lâu ngày.

Đồng thời trong tình huống này người bị mắc kẹt cần tìm đến điểm cao nhất trong hang để đợi người đến ứng cứu, không nên liều lĩnh làm gì trong tình huống đó.

Hang Sơn Đoòng được Hồ Khanh phát hiện vào năm 1990 trong một chuyến đi tìm trầm. Lần đó, anh đi qua khu vực hang Én và tình cờ phát hiện một cái hang. Đứng trước cửa hang, anh cảm nhận có một luồng gió mát lạnh thổi thốc từ trong hang ra, tiếng gió rít qua vách đá đến lạnh người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn