MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người trẻ xoay sở tài chính trong bão sa thải

Phùng Nhung LDO | 14/02/2023 11:29

Nhiều người trẻ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tìm được việc đã tốt nên không thể “kén cá chọn canh”, đặc biệt phải biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và có khoản phòng thân.

Nỗ lực tìm việc

Thiệu Quang Bách (27 tuổi) hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự lo lắng trước bối cảnh hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự. Để bản thân cảm thấy an toàn, Bách luôn cố gắng làm việc, dành ra một khoản tiết kiệm để "phòng thân".

Sống ở đất Sài Gòn với mức lương 9 triệu đồng/tháng, bạn trẻ chỉ đủ để chi trả cho những khoản như tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống, sinh hoạt. Còn để dư giả, tiết kiệm hay gửi về cho gia đình thì không đủ.

Chính vì vậy, Bách nỗ lực tìm thêm việc. Ngoài công việc chính, buổi tối Bách nhận thêm công việc diễn hoạ 3D.

Bách làm nhiều công việc cùng lúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Làm hai công việc cùng một lúc mệt mỏi, áp lực, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ nhưng vì tương lai nên cố gắng.

Mình quan niệm còn trẻ thì phải cố gắng. Mọi công việc đều tốn thời gian và chất xám nhưng bù lại mình có được mức thu nhập ổn định, nâng cao kiến thức bản thân. Điều này cũng giúp mình vững vàng hơn trong bão sa thải” - Bách tâm sự.

Sinh viên mới ra trường chật vật

Trước tình trạng hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự, với những sinh viên mới ra trường là một thách thức lớn. Ít kinh nghiệm, chấp nhận thử việc với mức lương thấp nên cuộc sống rất chật vật.

Trịnh Phương (22 tuổi) làm việc trong ngành Quản trị khách sạn cho biết, đã hoàn thành chương trình học tập và chính thức đi làm. Ban đầu bạn trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm công việc yêu thích. Áp lực tài chính đè nặng bởi mức lương 5 triệu đồng không đủ trang trải tại thành phố lớn.

“Mình đã nhảy việc, thử nhiều công việc khác nhau để tìm ra nơi phù hợp nhất với bản thân. Suốt nhiều tháng trời không làm ra tiền, mình áp lực khủng khiếp bởi hàng tá hoá đơn đang chờ thanh toán. Không có việc làm mình phải đi vay mượn để chi trả các khoản sinh hoạt phí trước mắt.

Hiện tại mình đã có công việc, với mức lương thử việc thấp mình phải dè dặt chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn này" - Phương bộc bạch.

 Trịnh Phương hiện đang làm việc tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Hạnh (22 tuổi) hiện đang là giáo viên mầm non hợp đồng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tìm được công việc đã tốt nên không thể “kén cá chọn canh”.

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Hạnh chật vật tìm công việc để bám trụ tại thành phố nhưng kết quả không khả quan. Được người quen giới thiệu, Hạnh về quê làm giáo viên hợp đồng với mức lương 3 triệu đồng/ tháng.

“Đồng lương thực sự ít ỏi nhưng mình ở quê sẽ không phải chi trả những khoản như tiền ăn, tiền nhà, chỉ dành để chi phí cho tiền sinh hoạt cá nhân nên cũng cố gắng chi tiêu cho đủ. Với mức lương này đến mùa cưới hoặc lễ Tết thực sự phải đi vay mượn để chi tiêu" - Hạnh thở dài.

 Cô giáo mầm non Nguyễn Hạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quản lý tài chính khoa học

Đối với Đức Trọng (23 tuổi) hiện đang làm việc tại một công ty luật tư nhân, luôn phải có một khoản tích lũy để dành những lúc thất nghiệp, đau ốm, gia đình có việc… Để làm được điều đó, Trọng cố gắng dành dụm, tiết kiệm mỗi tháng, chi tiêu một cách hợp lý.

“Mỗi tháng, mình sẽ chi trả hết những khoản cần thiết trước. Số tiền còn lại mình sẽ gửi vào tài khoản tiết kiệm. Nhiều bạn trẻ có quan điểm cứ tiêu xài rồi thừa bao nhiêu mới tiết kiệm nhưng như vậy sẽ không thể tiết kiệm, thậm chí không đủ để tiêu trong tháng đó.

Trong bão sa thải, mình có thể bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào nên việc có một khoản dự phòng là cần thiết" - Trọng nói.

Bạn trẻ cũng cho biết, bản thân hạn chế tham gia tiệc tùng bởi rất tốn kém. Thay vì đặt đồ ăn, mua nước uống thì tự nấu nướng, như vậy vừa đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn