MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguồn cơn khiến BOT Quốc lộ 51 chưa thể xác lập tài sản toàn dân dù đã dừng thu phí

Lam Duy LDO | 18/02/2024 12:04

Dù đã dừng thu phí hơn 1 năm, Bộ Giao thông Vận tải hiện vẫn chưa thể hoàn tất xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản ở Dự án đầu tư xây dựng mở rộng BOT Quốc lộ 51 đoạn đi qua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Như Lao Động ngày 17.2 phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa giao Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) tiếp tục thực hiện xử lý kiến nghị của nhà đầu tư BOT Quốc lộ 51 theo chức năng, nhiệm vụ và hợp đồng đã ký kết. Bộ GTVT báo cáo kết quả xử lý theo thẩm quyền.

Ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được đưa ra sau khi xem xét báo cáo của Bộ GTVT cuối năm 2023 về việc xử lý kiến nghị của nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Km0+900 - Km73+600 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT.

Đáng chú ý theo thông tin từ Bộ GTVT, BOT Quốc lộ 51 chính thức không thu phí từ ngày 13.1.2023. Đến ngày 17.11.2023, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với công tác quản lý, bảo trì dự án.

BOT Quốc lộ 51 thời điểm còn đang tiến hành thu phí. Ảnh: Bộ GTVT

Tuy nhiên từ đó đến nay, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thể hoàn tất xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản ở dự án BOT Quốc lộ 51.

Một diễn biến đáng chú ý là vào cuối tháng 11.2023, Bộ GTVT cũng mới quyết định thành lập một Tổ rà soát một số nội dung tồn tại của dự án BOT Quốc lộ 51 làm cơ sở để xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Trong khi đó theo cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong lúc Công ty BVEC không chịu bàn giao tài sản để thiết lập sở hữu nhà nước đối với tài sản dự án BOT Quốc lộ 51, tuyến quốc lộ này hiện xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt, lồi lõm trên mặt đường đã xuất hiện trên toàn tuyến. Khi trời mưa to nhiều đoạn tuyến ngập nước nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của Lao Động, những vướng mắc tồn tại ở dự án BOT Quốc lộ 51 từng xuất hiện và kéo dài suốt nhiều năm qua, trong đó có nhiều nội dung dự kiến quy định tại hợp đồng dự án thay đổi như chi phí đầu tư quyết toán, lãi suất tiền vay, mức thu, số thu, lưu lượng phân lưu...

Kiểm toán Nhà nước cũng từng có kiến nghị về phí bảo toàn vốn của dự án BOT Quốc lộ 51.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, ngay từ thời điểm dự án chính thức không thu phí vào năm 2023, các bên phải đàm phán các nội dung vướng mắc phát sinh và điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận theo quy định tại hợp đồng dự án.

Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam sau đó phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát hợp đồng dự án, đàm phán tới gần 20 phiên họp với BVEC, nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn để giải quyết các vướng mắc và đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận.

Trong các vướng mắc, có nhiều nội dung gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất phương án giải quyết như: Lãi bảo toàn vốn chủ sở hữu (8,7%/năm) trong thời gian xây dựng và khai thác; tính lãi như vốn vay trong giai đoạn xây dựng đối với doanh thu thu phí giai đoạn 2009 – 2015 (375 tỉ đồng); phương án tính lãi vay đối với các khoản giảm trừ trong giai đoạn khai thác; thời gian thu phí tạo lợi nhuận...

Theo thông tin mới nhất mà Lao Động có được, Bộ GTVT mới đây cho biết vẫn đang tiếp tục rà soát những tồn tại ở dự án BOT Quốc lộ 51 để phối hợp với Bộ Tài chính hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định pháp luật về tài sản công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn