MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguồn cung điện đang thiếu, “khai tử” điện than phải tính toán kỹ

Tiến Dũng - Hải nguyễn LDO | 19/12/2019 11:29

UBND tỉnh Long An vừa từ chối xây dựng nhà máy điện than với lý do bảo vệ môi trường và trước đó nhiều tỉnh thành khác cũng thẳng thừng “lắc đầu” với những dự án tương tự. Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương - cho biết, hiện nay mực nước các hồ ở mức thấp, nguy cơ thiếu nước phục vụ cho việc sản xuất điện và sẽ xem xét nhập khẩu than để phát điện, điều này dấy lên những lo ngại về vấn đề đảm bảo nguồn điện lưới quốc gia…

Thiếu nước phục vụ phát điện

Thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu rõ, mực nước tích được của hồ thủy điện Hòa Bình đang ở mức thấp hơn 10m so với cùng kỳ hằng năm. Trong khi đó, số liệu cung cấp mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng đang ở mức rất thấp, chỉ đạt khoảng 54% so với dung tích hữu ích dẫn tới nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du. Cụ thể, hồ chứa thủy điện Hòa Bình, lượng nước đang ở mức 102m, cạn nhất trong vòng 30 năm qua. Còn ở các hồ thủ điện khác, thiếu nước cũng đang là bài toán nan giải. Cũng theo tính toán của Cục điều tiết Điện lực, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình thấp hơn bình thường 15m, hồ Sơn La 13m và hồ Thác Bà 10m. Do vậy, sản lượng điện ở mức thấp hơn so với bình thường là 1,4 tỉ Kw/h.

Hắt hủi điện than

Thống kê của Cục điện và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉ lệ các nguồn điện vẫn có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ lớn lên tới trên 41%, đứng thứ 2 là nhiệt điện khí với trên 21%, còn lại là thủy điện, điện hạt nhân, điện tái tạo và các loại điện khác.

Nhìn vào con số thống kê trên có thể thấy, điện than vẫn chiếm tỉ lệ tương đối cao và khó có thể thay thế trong khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc các loại hình điện khác chưa thực sự phát triển nên việc từ chối, triệt tiêu nhiệt điện than là điều cần tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, còn các nhà máy thủy điện đang thiếu nước trầm trọng.

Khi mà chúng ta vẫn đang loay hoay tìm nguồn điện mới bù đắp những thiếu hụt của thủy điện thì tháng 11.2019, ông Nguyễn Văn Út - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết, tỉnh này vẫn đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều nguồn nhiên liệu hai nhà máy điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than thành khí hóa lỏng vì cho rằng sử dụng nhiên liệu than sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Thực tế, nhiệt điện than đang chiếm tỉ lệ cao nhất khi hòa lưới điện quốc gia, thế nhưng lại không được lòng các địa phương. Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương, nêu rõ: Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành. Thế nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện do đề xuất kiến nghị của địa phương như: Dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… Nhiều dự án điện BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm tiến độ, có những dự án điện gió, điện mặt trời được Chính phủ phê duyệt lên đến hàng chục nghìn MW hiện cũng giậm chân tại chỗ.

Nhập khẩu than 

để phát điện

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương - cho biết: Sẽ xem xét nhập khẩu than để phục vụ phát điện. Theo đó, sẽ huy động tối đa các nguồn phát điện. Ngoài thủy điện, nhiệt điện thì điện lực đã triển khai thêm điện mặt trời, điện gió với công suất 4,800MW, đồng thời triển khai công trình giải tỏa điểm nghẽn truyền tải điện và xem xét nhập khẩu than phục vụ phát điện.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng - cho rằng: Nhiệt điện than sẽ đảm bảo phụ tải cho biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện quốc gia, cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ điện công nghiệp. Đi cùng với đó, thời gian và chi phí đầu tư hợp lý, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển.

Trong điều kiện hiện nay, khi chưa tìm được nguồn điện khác để thay thế thì điện than vẫn là nguồn điện chiếm tỉ lệ cao và phù hợp nhất với chúng ta, vậy nên chăng “khai tử” nhà máy điện than, đó là câu hỏi lớn và đến thời điểm này có thể khẳng định, điện than vẫn còn hữu ích và chưa thể khai tử…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn