MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh diễn ra Hội nghị. Ảnh: Thành Lâm

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần đổi thay Đắk Nông

Thành Lâm LDO | 23/08/2022 16:29
Đắk Nông - UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần rất lớn trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tính đến 30.6.2022, dư nợ tín dụng ưu đãi trên địa bàn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội là hơn 3.527 tỉ đồng, tăng 121 lần so với năm 2004. Từ 3 chương trình ban đầu, đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội đang triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách khác nhau.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên HĐQT NHCSXH Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh, Đắk Nông cần tiếp tục đổi mới, tham mưu các chương trình tín dụng phù hợp.

Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội đang phối hợp với 4 tổ chức hội nhận uỷ thác nguồn vốn bao gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn thanh niên. Đến nay, nguồn vốn uỷ thác qua 4 tổ chức hội chiếm 99,7% dư nợ tại đơn vị.

Toàn tỉnh có hơn 1.580 Tổ Tiết kiệm vày Vay vốn tại 789 thôn, bon, buôn, tổ dân phố là cầu nối mang nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với người dân. Ngoài ra, trên toàn tỉnh có 71 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong quá trình vay vốn, trả lãi, gốc ngân hàng.

Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Đến hết tháng 6.2022, nợ quá hạn tại Ngân hàng chính sách xã hộiNgân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông chỉ chiếm 0,15% tổng dư nợ.

Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Điểu K’Ré nhấn mạnh, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương phải xem thực hiện tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm.

Từ nguồn vốn ưu đãi, đến nay, toàn tỉnh có hơn 69.000 hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn để phục vụ phát triển kinh tế, góp phần giúp 56.424 lượt hộ thoát nghèo. Trong đó, có hơn 38.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn, với dư nợ 1.230 tỷ đồng.

Thông qua nguồn vốn chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm dần qua từng năm. Đến hết năm 2021, Đắk Nông có 11,19% hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều, giảm hơn 44,8% so với năm 2004. Toàn tỉnh có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngoài ra, giai đoạn 2004-2022, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 26.770 lao động được tạo việc làm; 40.490 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 2.830 ngôi nhà cho các đối tượng được xây mới; hơn 133.280 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, sửa chữa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh, tín dụng chính sách đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

 Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị định 78 cho thấy, nguồn lực về vốn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của địa phương. Chất lượng tín dụng giữa các địa phương, đơn vị nhận ủy thác chưa đồng đều. Công tác lồng ghép nguồn vốn vay với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư chưa được chú trọng...

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nhấn mạnh, Đắk Nông cần tiếp tục đổi mới, tham mưu các chương trình tín dụng phù hợp với nhu cầu giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Tỉnh ủy, chính quyền địa phương Đắk Nông xác định nguồn tín dụng chính sách là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, địa phương quan tâm sâu sát hơn đến việc cân đối, ưu tiên ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để tạo cơ hội cho nhiều người dân được vay vốn ưu đãi của Nhà nước.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Nông trao tặng 4 căn nhà tình nghĩa cho 4 hộ nghèo.

Các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ uỷ thác, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến sâu rộng trong người dân. Các đơn vị hướng dẫn cho đoàn viên, hội viên mình xây dựng các mô hình sinh kế, đào tạo nghề gắn kết hộ vay để phát huy hiệu quả sử dụng vốn...

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Điểu K’Ré nhấn mạnh, tín dụng ưu đãi đóng góp rất quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo tại Đắk Nông thời gian qua.

Giai đoạn tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đặc biệt quan tâm đến nguồn lực, nhất là nguồn lực từ vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để tạo điều kiện cho người dân vay vốn.

Khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc nhân dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị định 78.

Các đơn vị chủ lực linh hoạt tranh thủ nguồn lực từ Trung ương kết hợp với nguồn lực địa phương, bảo đảm thực hiện hiệu qủa các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương, Ban Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách, các tổ chức chính trị, xã hội cùng với Ngân hàng chính sách cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân được tuyên dương vì có nhiều đóng góp trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã trao 4 căn nhà tình nghĩa cho 4 hộ nghèo tại các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Krông Nô và Đắk Song.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn