MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVBM

Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm

Thùy Linh LDO | 22/10/2022 06:00
Bộ Y tế vừa công bố Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh cúm A (H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2.2014 đến nay, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người. Đáng lo ngại hơn, các chuyên gia cảnh báo tình trạng dịch chồng dịch đang hiện hữu...

Cúm gia cầm A(H5) tái xuất hiện sau 8 năm

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bệnh nhân nhiễm cúm A/H5 trên người đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận sau hơn 8 năm đang trong tình trạng suy hô hấp, phải đặt nội khí quản. Đây là một bé gái 5 tuổi có địa chỉ tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Trước đó, ngày 5.10.2022, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.

Đến ngày 7.10.2022, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều. Gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhi sau đó đã được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ. Tại đây, trẻ được thăm khám và cũng được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.

Ngày 8.10.2022, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến ngày 10.10.2022, trẻ được Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm định type cúm A/H5. Ngày 17.10.2022, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5.

Hiện tại, bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, đang nằm điều trị tại Khoa điều trị tích cực nội, Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp/Sốc nhiễm khuẩn/Suy đa tạng/Cúm A/H5. Cũng theo lời kể của người nhà của bệnh nhi, khoảng một tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn.

Các bác sĩ cảnh báo dịch chồng dịch, các bệnh dịch khác (COVID-19, adenovirus, cúm, thủy đậu...) cũng có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. Các cơ sở y tế hiện đang đau đầu đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, adenovirus...

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, nếu trong tháng 8 số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên,… sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…

Bộ Y tế kêu gọi sử dụng các biện pháp phòng dịch cá nhân

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ngày 21.10, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Hiện nay, đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. 

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng, đồng thời số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang được ghi nhận trong thời gian gần đây.

Đến nay nước ta cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Bên cạnh đó, dịch bệnh tay chân miệng, adeno virus có xu hướng gia tăng do tính chất lây truyền, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm, chưa có vaccine phòng bệnh. Mới nhất, Việt Nam đã ghi nhận trở lại bệnh cúm gia cầm A(H5) sau 8 năm. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để chủ động phòng chống dịch bệnh, người dân cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch cá nhân, theo khuyến cáo của ngành y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn