MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ thăm khám cho trẻ gặp tai nạn sinh hoạt vào dịp hè. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nguy cơ gia tăng tai nạn sinh hoạt ở trẻ vào dịp hè

Thanh Chân LDO | 24/06/2024 09:33

Ghi nhận ở các bệnh viện tại TPHCM, dịp hè là thời điểm gia tăng các tai nạn sinh hoạt ở trẻ em như bỏng, đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tai nạn giao thông, sự cố té ngã. Phụ huynh phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè.

Nhiều trẻ nhập viện vì tai nạn sinh hoạt

Dịp hè, các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận điều trị các trường hợp trẻ gặp tai nạn sinh hoạt như bỏng (điện, xăng, hóa chất...), đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tai nạn giao thông, sự cố té ngã. Trong đó, có nhiều trường hợp nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng.

Theo bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, dịp hè là thời điểm gia tăng các tai nạn sinh hoạt ở trẻ em. Hầu hết là do độ tuổi thích tò mò, khám phá, sự bất cẩn hoặc trẻ ở xa tầm mắt của phụ huynh.

Điển hình, trường hợp bệnh nhi K.S.Y.P (nam, 13 tuổi, tỉnh Đắk Lắk) được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến vì bị điện giật. Mẹ bệnh nhi cho hay, trẻ cùng bạn chơi thả diều, diều mắc vào mái nhà. P trèo lên mái nhà lấy và không may bị điện giật ở bàn tay trái.

Một trường hợp khác là bệnh nhi L.H.D (nữ, 8 tuổi) bị bỏng nặng từ vai đến mông do té vào nồi nước sôi. Được biết, D cùng bạn đạp xe gần nhà. Do không làm chủ tay lái, D té vào nồi nước sôi của nhà hàng xóm.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, đơn vị vừa cứu sống bệnh nhi N.T.T (11 tuổi, tỉnh Long An) bị ong đốt tổn thương đa cơ quan. Được biết, trẻ chơi trước sân nhà bị ong vò vẽ từ tổ ong trên cây, bay ra đốt khoảng 52 vết. Gia đình phát hiện, đưa bé đến bệnh viện địa phương trong tình trạng lơ mơ, môi tái, tay chân lạnh, huyết áp tụt, chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cũng vừa phẫu thuật nắn chỉnh xương bánh chè bị trật cho nam bệnh nhi P.T.G.B (11 tuổi, tỉnh An Giang).

Bác sĩ Phan Văn Tiếp - Chuyên Khoa Chấn thương Chỉnh hình Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - cho biết, với trường hợp của bé B, bệnh cảnh này về lâm sàng giống như trật xương bánh chè bẩm sinh. Có thể trẻ gặp tổn thương lâu mà gia đình phát hiện trễ nên ca phẫu thuật phức tạp hơn trật xương bánh chè do chấn thương.

Nâng cao tinh thần cảnh giác, đảm bảo an toàn cho trẻ

Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian tới, bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - khuyến cáo phụ huynh luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè. Thường xuyên để mắt tới mọi hoạt động của trẻ bởi nguy hiểm luôn "rình rập" bất kỳ thời điểm nào.

Các trường hợp tai nạn do đuối nước thường xảy ra ở những nơi nhiều ao, hồ, sông, suối và cả trong hồ bơi. Tùy thuộc vào thời gian đuối nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng của trẻ cũng như để lại những di chứng não nặng nề về sau.

Các trường hợp bị bỏng do nước sôi và cháy nổ nhập viện cũng ghi nhận tăng vào dịp nghỉ hè. Thương tích của bỏng không chỉ làm tổn thương da, nhiễm trùng, thời gian điều trị kéo dài thậm chí tử vong. Ngoài ra, tai nạn còn đến từ các thiết bị điện, do thú cưng, hít phải các chất độc hại, ngộ độc, ong đốt, rắn cắn, té ngã… cũng cần đặc biệt lưu ý.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cảnh báo, thời điểm này, trẻ được nghỉ hè và đi chơi, phụ huynh nên tránh để trẻ leo trèo hái trái cây bởi có thể bị tai nạn do té và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong. Phụ huynh nên kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.

Khi đi picnic trong rừng hay vườn cây, cần lưu ý tránh mặc những quần áo sặc sỡ hay thoa nhiều dầu thơm dễ thu hút đàn ong đến tấn công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn