MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những bo mạch được thu mua để lắp ráp thành Phone Farm. Ảnh: N.D.T

Nguy cơ lan truyền thông tin xấu độc từ Phone Farm

Khánh An LDO | 22/08/2023 15:16

Với mong muốn những clip của bản thân sớm lên xu hướng, sở hữu lượt xem, lượt thích “khủng” trên TikTok, Facebook, nhiều người đã tìm đến Phone Farm. Thế nhưng, hệ thống này lại đang vô tình tiếp tay cho những thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

“Chiếc hộp thần kỳ”

Từ khóa “Phone Farm” hiện không còn quá xa lạ trong cộng đồng marketing ở Việt Nam.

Phone Farm là thuật ngữ chung để chỉ một hệ thống bao gồm rất nhiều điện thoại khác nhau dùng để làm các công việc như tăng lượt thích, lượt xem, bình luận tự động… trên các mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube. Hệ thống này cũng được sử dụng để tăng lượt tải, đánh giá ứng dụng, tăng lượt truy cập website...

Trao đổi với Lao Động, anh N.D.T - CEO một công ty cung cấp giải pháp Marketing đa kênh - cho biết, đúng như cái tên, bộ phận quan trọng nhất cấu thành nên một Phone Farm là những chiếc điện thoại. Thế nhưng hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí, phần pin và màn hình của những chiếc điện thoại sẽ bị loại bỏ, chỉ giữ lại bo mạch.

Sau đó, Phone Farm sẽ được kết nối với máy tính để điều khiển các tài khoản trong những chiếc điện thoại này.

“Hiểu đơn giản thì khi mua Phone Farm về, thay vì chỉ tăng được 1 lượt thích, 1 lượt xem cho những video, thì có thể tăng cùng lúc 20 lượt xem, 20 lượt thích vì mình đang sở hữu 20 cái điện thoại trong tay” - anh T lý giải.

Theo anh T, hiện tại, không có “công thức nào” để phân biệt những lượt thích, bình luận hay xem là thông qua tài khoản thật hay thông qua Phone Farm. Thế nhưng, có rất nhiều tài khoản trên Phone Farm bị khóa vì bị phát hiện gian lận, vi phạm chính sách của Facebook - là một người chỉ sử dụng 1 tài khoản.

Nhiều người đầu tư Phone Farm để tăng lượt thích, lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: N.D.T

Phone Farm gây ra sự ngộ nhận lòng tin

Theo tìm hiểu của phóng viên trong các ngày gần đây, hiện nay trên thị trường đang bán 2 loại Phone Farm, bao gồm Phone Farm điện thoại nguyên chiếc và Phone Farm bo mạch (phần pin và màn hình của điện thoại đã bị loại bỏ). Mức giá của Phone Farm dao động từ 15-30 triệu đồng (tùy vào độ mới của điện thoại/bo mạch).

Với những Phone Farm sử dụng điện thoại nguyên chiếc, cần có các sợi dây cáp để kết nối từng chiếc điện thoại với HUB (dùng để kết nối các thiết bị trong cùng một mạng LAN). Sau đó, từng chiếc điện thoại sẽ được tải các ứng dụng cần tăng lượt thích, lượt xem, bình luận tự động... Còn với những Phone Farm sử dụng bo mạch, được thiết kế theo dạng module, sẽ cần 1 dây nguồn và 1 dây cắm vào máy tính thông qua cổng USB để thao tác, điều khiển trên máy tính.

Cùng với sự ra đời của Phone Farm, dịch vụ tăng lượt xem, lượt thích bằng hệ thống này cũng ra đời. Nhiều đơn vị chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng để sắm các hộp Phone Farm nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lượt thích, lượt xem, lượt theo dõi của khách hàng.

Theo cơ chế đề xuất của các mạng xã hội, một nội dung có nhiều lượt xem, nhiều lượt tương tác thì nền tảng sẽ phổ biến rộng rãi nội dung này. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc các tin giả, các nội dung xấu độc, các nội dung lừa đảo dễ dàng bị lan truyền mạnh mẽ dưới sự “hỗ trợ” của Phone Farm.

Anh Trần Hữu Nhân - Kỹ sư về khoa học dữ liệu và học máy - cho biết, Phone Farm có thể gây ra vấn đề về "sự ngộ nhận lòng tin".

“Khi người dùng vào một nhóm bán hàng trên Facebook, nếu nhóm đó có 10.000 thành viên nhưng mỗi bài viết lại có đến 1.000 lượt thích/tương tác tích cực thì sẽ dễ có lòng tin để mua hàng ở nhóm này. Tuy nhiên, người dùng có thể bị lừa đảo về độ tin cậy của mặt hàng đó nếu các thành viên trong nhóm đều là ảo - đều từ Phone Farm mà ra” - anh Nhân cho biết.

Theo anh Nhân, việc sử dụng Phone Farm không mang tính lừa đảo trực tiếp, nhưng nó gây tác động gián tiếp đến sự tin cậy của người dùng, tạo hiệu ứng "số đông" áp đảo người dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn