MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vào mùa mưa 2024, nhiều khu vực trên tuyến đường đèo Prenn có nguy cơ xảy ra sạt lở. Ảnh: Mai Hương

Nguy cơ mất an toàn tại cửa ngõ ra vào Đà Lạt vì đèo Prenn sạt lở

Mai Hương LDO | 25/07/2024 10:30

Ngày 24.7, mưa lớn kéo dài khiến đèo Prenn bị sạt lở ở một số điểm. Dù cơ quan chức năng đã và đang xử lý nhưng nguy cơ tái diễn sạt trượt tại cửa ngõ ra vào Đà Lạt vẫn hiện hữu.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt trượt

Đối với địa hình đồi núi như tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng, tình trạng sạt lở trong mùa mưa luôn có nguy cơ xảy ra và ảnh hưởng lớn đến an toàn của người dân. Vào ngày 24.7, mưa lớn kéo dài khiến đèo Prenn bị sạt lở. Trong đó, đất đá từ taluy dương tràn xuống mặt đường. Có mặt tại đây cho thấy, khu vực này tiếp giáp đèo dẫn vào Tổ dân phố 18, phường 3. Đoạn taluy dương dài khoảng 20m, cao 10m.

Trước đó, chỉ sau 2 trận mưa đầu mùa vào tháng 3,4, đèo Prenn cũng bị sạt lở đất đá. Vụ sạt lở xảy ra tại vị trí có vách núi cao hơn chục mét nằm bên cạnh đường lưu thông. Trên nhiều đoạn thuộc tuyến đường đèo Prenn, mặt ngoài đá lởm chởm nằm chênh vênh, có thể lăn xuống dưới bất cứ lúc nào. Nhiều nơi còn có vách đá gần như dựng đứng. Phía trên có hàng trăm cây thông lớn đang đứng cheo leo bên bờ vực chờ chực chờ ngã đổ bất cứ lúc nào không hay.

Thường xuyên lái xe di chuyển qua tuyến đường đèo Prenn, anh Trần Văn Giang (người dân phường 3, TP Đà Lạt) cho biết, xuyên suốt đèo Prenn, nhiều vị trí bị lở ở nhiều mức độ khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt vào mùa mưa bão kéo dài.

"Ngày nào lái xe đi làm qua tuyến đường này, tôi cũng cảm thấy lo sợ đất đá đổ xuống đường, đe dọa sự an toàn của người tham gia giao thông. Nhiều đoạn đường, vách núi cao, đất đá như có thể văng xuống bất kỳ lúc nào khiến tôi vô cùng bất an" - anh Giang cho hay.

Qua khảo sát, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng xác định, trên tuyến đường đèo Prenn có một số vị trí ta luy dương nhưng chưa xây tường, kè chắn. Ngoài ra, các vị trí này có địa chất đất, đá không liền khối, không đồng nhất, rời rạc. Thế nên, ở những vị trí này rất dễ xảy ra sạt trượt khi thấm nước do mưa lớn kéo dài.

Chủ động xử lý

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, đơn vị quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, tuần kiểm các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo, khu vực taluy cao... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt cao.

Nhất là các tuyến đường huyết mạch, quan trọng trên địa bàn tỉnh như đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Mimosa, Quốc lộ 27, 27C, 28, 28B; các Tỉnh lộ và các trục đường huyện để kịp thời cảnh báo, thông tin đến người dân, du khách chủ động phòng tránh, lựa chọn hướng di chuyển phù hợp.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động xử lý trước các vị trí có nguy cơ sạt trượt; cắt tỉa, xử lý cây xanh nguy cơ ngã đổ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra, đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt.

UBND TP Đà Lạt cho biết, đã có công văn đề nghị Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các đơn vị triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường đèo Prenn. UBND TP Đà Lạt đề nghị Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở trên đèo Prenn theo báo cáo, đề xuất của Công an TP Đà Lạt.

Từ đó, yêu cầu đơn vị thi công triển khai ngay các biện pháp gia cố, sửa chữa, bảo đảm an toàn trong mùa mưa năm 2024; có giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông như lắp đặt bổ sung biển báo, hộ lan ở những điểm có đường dân sinh dọc theo tuyến đèo Prenn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn