MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguy cơ sạt lở đất, đá ở vùng cao Hòa Bình trong mùa mưa lũ. Ảnh: Minh Nguyễn

Nguy cơ sạt lở ở vùng cao Hòa Bình trong mùa mưa lũ

Minh Nguyễn LDO | 21/07/2023 14:22

Hòa Bình - Bởi địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên nguy cơ sạt lở đất, đá trên địa bàn vùng cao ở tỉnh Hòa Bình rất lớn.

Ngày 21.7, PV Báo Lao Động đã ghi nhận thực tế tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nơi đây chủ yếu địa hình là đồi núi, độ dốc cao nên nguy cơ xảy ra sạt lở là rất lớn.

Trực tiếp có mặt tại khu Thung Vòng thuộc xóm Khi, xã Nhân Mỹ, hiện đang có điểm nguy cơ sạt lở có thể ảnh hưởng đến tài sản của người dân bất cứ khi nào. Theo quan sát, vị trí sạt lở năm trên đồi cao, bên dưới có nhiều hộ dân đang sinh sống.

Ông Bùi Văn Thìn – Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết, vào ngày 18.6, tại ví trí trên (đỉnh thác Pưa Bó xóm Khi, xã Nhân Mỹ) đã xảy ra hiện tượng sạt lở. Qua kiểm tra, điểm sạt lở dài ước khoảng 15m, rộng 5m, sâu 7m tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của 4 hộ dân.

Theo ông Thìn, ngoài 4 hộ dân trên, có 8 hộ dân khác cũng nằm trong vùng ảnh hưởng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, xã đã báo cáo UBND huyện Tân Lạc để có phương án di dời 12 hộ dân thuộc khu Thung Vòng, trong đó ưu tiên 4 hộ có nguy cơ cao vì năm ngay chân điểm sạt lở.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tiến hành cắm biển cảnh báo và yêu cầu người dân di dời đến nơi an toàn để tránh nguy hiểm mỗi khi xảy ra mưa lớn.

Điểm sạt lở ở xã Nhân Mỹ dài ước khoảng 15m, rộng 5m, sâu 7m tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Ảnh: Minh Nguyễn.

Với địa hình phức tạp, mùa mưa lũ sạt trượt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, UBND huyện Tân Lạc đã triển khai nhiều phương án nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu.

Ông Bùi Đức Hiển - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Lạc thông tin, đối với vị trí Thung Vòng, xã Nhân Mỹ, hiện huyện đang lên phương án di dời đến nơi an toàn.

Theo ông Hiển, từ đầu năm, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã thị trấn, thành lập các phương án để phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sạt lở đất, đá, UBND huyện đã cùng với lãnh đạo các xã và thị trấn thống kê những điểm có nguy cơ sạt lở, cắm biển cảnh báo, di dời người dân an toàn khi xảy ra mưa lũ. Đồng thời tuyên truyền cho người dân tránh xa những điểm sạt lở khi có mưa lớn.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có 234 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, từ đầu năm đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra ước khoảng hơn 4,4 tỉ đồng. Trong đó, 18 hộ bị thiệt hại về nhà ở; nhiều công trình thủy lợi, công trình công cộng bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có 234 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 5.215 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần có phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư. Trong đó, có 143 diểm với 3.298 hộ bị ảnh hưởng cần bố trí ổn định dân cư; 21 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét với 167 hộ bị ảnh hưởng; 70 điểm thường xuyên bị ngập úng với 1.750 hộ bị ảnh hưởng.

UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành quyết định phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên ta xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động xây dựng lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả giông lốc, mưa lũ, sạt lở đất.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hoà Bình, cơn bão số 1 vừa qua không có ảnh hưởng, thiệt hại đến địa bàn tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn