MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Tuyên Quang treo biển “hết xăng“. Ảnh: CTV

Nguy cơ tái diễn tình trạng khan hàng, "găm hàng" xăng dầu?

CƯỜNG NGÔ LDO | 01/09/2022 07:39

Giá dầu thế giới có khả năng tăng mạnh trở lại. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục kêu lỗ do chiết khấu giảm, càng kinh doanh càng lỗ. Nguy cơ tái diễn tình trạng khan hàng, “găm hàng” xăng dầu có thể xảy ra và giải pháp nào để giải quyết?  

Doanh nghiệp "kêu" điều hành xăng dầu bất cập

Ngày 31.8, nhóm 24 doanh nghiệp tại TPHCM kinh doanh xăng dầu đã đồng loạt ký đơn, gửi văn bản đến UBND TPHCM và Bộ Công Thương, Sở Công Thương TPHCM cùng các đơn vị liên quan "trải lòng của đại lý bán lẻ trong kinh doanh xăng dầu", khi bày tỏ nhiều khó khăn của doanh nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu nhưng chưa thấy cơ quan nhà nước và Sở Công Thương quan tâm, thấu hiểu.

Theo các doanh nghiệp này, khi có biến động thì chỉ quan tâm đến tập đoàn, những đầu mối nhập khẩu mà quên đi đại lý, cửa hàng bán lẻ của tư nhân. Trong khi tất cả các doanh nghiệp cần được bình đẳng như nhau, nhưng thực tế hiện còn rào cản, cơ chế thị trường và do sự điều hành bất cập của các bộ, ngành liên quan.

Các doanh nghiệp này chỉ ra những bất cập như tại sao phải trích quỹ bình ổn, trích quỹ bình ổn có đúng mục đích Chính phủ đề ra và phục vụ tốt cho xã hội chưa? Buộc các cửa hàng bán lẻ tư nhân lỗ liên tục mà không được đóng cửa có làm méo mó định nghĩa về tự do kinh doanh?

Với mỗi mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, thậm chí dù là 200 đồng thì đại lý vẫn không đủ duy trì hoạt động kinh doanh, các đại lý bán lẻ xăng dầu được khẳng định đang bị lỗ nặng. Theo các doanh nghiệp, nguồn cung cũng đang rất hạn chế.

Trên thực tế, những ngày qua không ít đại lý, thương nhân phân phối cũng bày tỏ "nỗi xót xa", khó khăn trong việc nhập hàng. Nhiều thời điểm, các mặt hàng xăng hoặc dầu được thông báo hết. Nếu có, với mức chiết khấu 0 đồng hoặc âm, cả đại lý và phân phối đều lỗ nặng. 

Đơn cử ở Tuyên Quang, không ít cửa hàng xăng dầu đã phải đóng cửa, thông báo hết hàng. Bà T - một chủ cửa hàng xăng dầu ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - cho biết, cửa hàng chỉ còn dầu, xăng đã hết sạch. "Chúng tôi hết xăng từ trưa nay, phân phối hẹn ngày mai giao hàng nhưng cũng chỉ khoảng 2.000 lít, chúng tôi bán duy trì" - bà T nói.

Ông Đào Minh Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng - một đơn vị phân phối khu vực Tuyên Quang cho biết, tình hình nguồn cung vô cùng khó khăn. Trong 1 tuần trở lại đây, cửa hàng chỉ lấy được xăng dầu một cách nhỏ giọt so với thời điểm bình thường.

"Chúng tôi vẫn xoay đủ nguồn để cấp hàng cho các đối tác có hợp đồng với mình, nhưng nhìn chung tình hình rất khó khăn. Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có biện pháp tháo gỡ tình trạng này" - ông Huệ kiến nghị. Theo vị này, nên điều chỉnh giá xăng 7 ngày một lần thay vì 10 ngày như hiện nay, tránh tình trạng đầu mối găm hàng.

Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội cũng chỉ ra những bất cập trong việc tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay. Theo vị này, trong điều kiện thị trường xăng dầu thế giới không biến động lớn, công thức tính giá cơ sở vẫn đảm bảo để các doanh nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, khi giá thế giới tăng mạnh hiện nay, phụ phí xăng dầu đã đội lên ở mức 6-7 USD/thùng.

Về tiêu chuẩn khí thải, vị này cho biết, Nhà nước điều hành giá với xăng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và dầu là tiêu chuẩn Euro 3. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải cao hơn theo thị trường thế giới, ví dụ mua dầu tiêu chuẩn khí thải Euro 5 sẽ khiến giá chênh lệch, có lúc chênh đến 7-8 USD/thùng khiến doanh nghiệp cũng gặp khó.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), mặc dù điều hành giá xăng từ lúc 15 ngày đã giảm xuống còn 10 ngày một lần, nhưng vẫn không theo kịp biến động giá trên thị trường quốc tế. Theo chuyên gia này, cái đoạn chiết khấu 0 đồng chỉ là cách để các doanh nghiệp đầu mối "tăng giá bán buôn" theo đà tăng của thế giới.

"Đương nhiên, khi đầu mối đã tăng giá bán buôn, mà giá bán lẻ không được điều chỉnh, thì bên bán lẻ không muốn làm. Kết quả là thiếu xăng cho dân trong vài ngày. Cứ trước mỗi lần điều chỉnh giá, nếu thấy giá trên thị trường quốc tế tăng cao, thì nhà cung cấp sẽ bán cầm chừng, đợi qua đợt điều chỉnh giá rồi mới bán để hưởng doanh thu cao hơn"- ông Nguyễn Minh Đức nói thêm.

Nguồn cung vẫn ổn định

Tại cuộc họp khẩn về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho rằng, xăng dầu là vật tư chiến lược đối với mọi quốc gia. Vì là mặt hàng chiến lược nên các nước quy định đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có quy định rõ ràng về mặt pháp luật, có tổ chức thành hệ thống về quản lý, cung ứng kinh doanh xăng dầu trên phạm vi từng lãnh thổ.

"Có thể khẳng định thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá là ổn định hơn so với tất cả các nước trong khu vực và thế giới" - ông Nguyễn Hồng Diên nhận định và cho biết, điều này cũng thể hiện được khi nguồn cung của Việt Nam ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung trong nước, nguồn cung cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Đồng thời, giá cả về cơ bản giữ được mức ổn định và bao giờ cũng thấp hơn so với khu vực và thế giới. Sở dĩ chúng ta làm được điều này là do chúng ta đã sử dụng tốt các công cụ quản lý giá như: Điều tiết các khoản thuế phù hợp, điều chỉnh thuế về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu. Có những địa phương, có thời điểm còn sử dụng cả quỹ an sinh để bảo đảm cho tình hình cung ứng và kinh doanh xăng dầu giữ ở mức ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn