MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người đi xe máy rời TPHCM buộc phải quay đầu xe ngày 28.7. Ảnh: HC

Nguy cơ thiếu hụt lao động khi người lao động di chuyển tự phát về quê

ANH THƯ LDO | 18/08/2021 08:51
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân rời khỏi TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 về quê không an toàn cho người lao động, gây khó khăn trong phòng, chống dịch.

Nguy cơ thiếu hụt lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quý II.2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…

Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Bình Dương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, thực hiện giới nghiêm từ 18h tối đến 6h sáng. Ảnh: Đình Trọng

Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%.

Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, do dịch diễn biến ngày càng phức tạp, số ca F0 tăng lên không ngừng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài từ cuối tháng 6 đến nay tạo ra sức ép về chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý tránh những khu vực đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động phải nghỉ việc về quê.

Nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch để đưa lao động về quê, tuy nhiên do yêu cầu về y tế, mới đưa được hơn 50 nghìn người trở lại quê, trong đó ưu tiên những người yếu thế, người già trẻ em, phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, với sức ép về cuộc sống hàng ngày, tâm lý lo sợ lây nhiễm virus nên nhiều người lao động đã tự phát “ồ ạt” về quê bằng các phương tiện cá nhân, không có đăng ký với chính quyền địa phương, không được theo dõi y tế… Số lao động tự phát di chuyển hơn 100 nghìn người khiến cho chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc theo dõi, các khu cách ly y tế quá tải.

Luồng di chuyển lao động chủ yếu hiện nay là từ các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về ngược lại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung.

Theo thống kê nhanh của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhu cầu lao động được trở về quê ngày càng cao, hiện nay có hơn 50 nghìn người đăng ký với chính quyền địa phương. Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy nguy cơ “thiếu hụt lao động” với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…

Theo Hiệp hội Dệt may thì số lao động đáp ứng được 65-70% nhu cầu, trong thời gian Quý III, IV.2021, để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng thì số lượng lao động cần tuyển khá lớn.

Không để di chuyển tự phát

Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, đây là hiện tượng dịch chuyển dân cư khi có dịch bệnh. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, điều quan trọng nhất phải bảo vệ công dân, người lao động.

Theo bà Hương, hiện nay cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để đưa người lao động di chuyển về quê an toàn và thực hiện việc cách ly y tế theo khuyến cáo của Bộ Y tế với trường hợp họ có nguyện vọng về.

Phú Yên tổ chức đưa người dân từ TP Hồ Chí Minh về quê. Ảnh Phương Uyên.

Bà Hương cho rằng việc phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương tránh việc di chuyển ồ ạt, tự phát của người lao động trong thời gian qua.

Mới đây, tại văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, đối với những trường hợp bất khả kháng, người dân phải di chuyển về quê, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu cơ quan, đoàn thể nơi cư trú phối hợp với chính quyền địa phương nơi quê nhà hỗ trợ thức ăn, nước uống và tổ chức phương tiện đưa người dân về quê.

Theo bộ này, các địa phương không để tình trạng di chuyển tự phát (xe máy, xe đạp, đi bộ...); tổ chức cách ly, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn