MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mưa gió lớn khiến cây xanh này ngã đổ đè lên các sợi dây cáp có dẫn điện. Ảnh: Đình Trọng

Nguyên nhân 3 người bị điện giật tử vong ở Bình Dương

Nam Dương LDO | 05/04/2023 13:48
Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) trưa ngày 5.4 cho biết vụ tai nạn làm 3 người chết do điện giật xảy ra chiều tối ngày 4.4 ở Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương có nguyên nhân từ sợi cáp chiếu sáng bị tróc gây ra.

EVNSPC cho biết, theo cơ quan chức năng, nguyên nhân sơ bộ ban đầu vụ tai nạn điện do mưa to kèm dông lốc làm cây sao ngã đè vào lưới hạ thế trạm 9, Khu đô thị Mỹ Phước 2, hệ thống cáp chiếu sáng, hệ thống cáp cáp viễn thông cùng đi trên trụ điện lực tại khoảng trụ 4C3-4C4, làm cho sợi cáp chiếu sáng do Xí nghiệp phát triển Công nghiệp – Đô Thị Mỹ Phước quản lý bị tuột vỏ chạm vào móc đỡ cáp chiếu sáng bằng sắt lắp trên trụ số 4C2.

Đồng thời cũng làm tróc vỏ sợi cáp điện thoại chạm vào móc đỡ cáp chiếu sáng bằng sắt, một đầu cáp điện thoại đứt rơi xuống đất nên bị rò điện gây tai nạn.

Trước đó, khoảng 18h ngày 4.4, trên đường thuộc khu phố 2, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương xảy ra vụ điện giật làm 3 người tử vong.

Vào thời điểm trên, mưa lớn kèm gió lốc khiến cây xanh ngã đè lên đường dây có dẫn điện.

Lúc này, bà N.T.N (sinh năm 1953, ngụ phường Mỹ Phước, Bến Cát) đi ra quét nước trúng dây điện dẫn đến bị giật ngã. Thấy vậy, chồng, con và cháu chạy ra cứu thì bị điện giật tử vong. Riêng bà N.T.N bị thương.

Hai cách cơ bản để cứu người bị tai nạn điện

Trước tình hình thời tiết đang diễn biến bất thường trong cao điểm mùa nắng nóng, có thể xảy ra tình trạng mưa to, kèm dông lốc tại một số tỉnh phía Nam, EVNSPC vừa đưa ra một số cảnh báo người dân nhằm tránh các tai nạn điện đáng tiếc xảy ra.

Theo đó, có 2 bước cơ bản để cứu người bị tai nạn điện, bao gồm: tách nạn nhân ra khỏi mạch điện và cứu chữa nạn nhân tại chỗ.

Tách nạn nhân ra khỏi mạch điện:

Nếu phát hiện thấy có người đang bị tai nạn điện giật thì phải tìm mọi cách để tách nạn nhân ra khỏi mạch điện. Để cứu nạn nhân và tránh không bị điện giật, người cứu nạn nhân phải thực hiện như sau:

Trường hợp cắt được mạch điện thì cắt điện bằng những thiết bị đóng cắt ở gần nhất, như: công tắc điện, cầu chì, cầu dao, máy cắt, hoặc rút phích cắm… Khi cắt điện phải chú ý, nếu mạch điện bị cắt, cấp cho đèn chiếu sáng lúc trời tối thì phải chuẩn bị ngay nguồn sáng khác để thay thế. Nếu người bị nạn ở trên cao thì phải chuẩn bị để hứng, đỡ khi người đó rơi xuống.

Trường hợp không cắt được mạch điện, thì phải phân biệt người bị nạn đang chạm vào mạch điện hạ áp, hay cao áp để áp dụng những cách xử lý. Nếu là mạch điện hạ áp thì người cứu phải đứng trên bàn, ghế hoặc tấm gỗ khô, đi dép hoặc ủng cao su (cách điện), đeo găng cao su (cách điện) để dùng tay kéo nạn nhân tách ra khỏi mạch điện.

Nếu không có các phương tiện trên thì dùng gậy gỗ, tre khô gạt dây điện hoặc đẩy nạn nhân để tách ra, hoặc dùng tay khô hay có bọc lót ni lon, bìa giấy khô để nắm vào áo, quần khô của nạn nhân kéo ra. Nếu có kìm cách điện, búa, rìu cán bằng gỗ thì sử dụng những dụng cụ này để cắt, chặt đứt dây điện đang gây ra tai nạn. Tuyệt đối không chạm trực tiếp vào người nạn nhân, vì như vậy người đi cứu cũng bị điện giật. Nếu là mạch điện cao áp thì người cứu phải có ủng, găng tay cách điện và dùng sào cách điện để gạt hoặc đẩy nạn nhân ra khỏi mạch điện.

Hướng dẫn cách sơ cứu người bị tai nạn điện. Ảnh: Đức Long

Cách cứu chữa nạn nhân sau khi đã tách ra khỏi mạch điện:

Ngay sau khi nạn nhân được tách khỏi mạch điện phải căn cứ vào tình trạng của nạn nhân để xử lý cho phù hợp và cần lưu ý 3 trường hợp sau:

Trường hợp 1, khi nạn nhân chưa mất tri giác: Nếu nạn nhân chỉ bị hôn mê trong giây lát, tim còn đập, thở yếu thì phải để nạn nhân ra chỗ thoáng khí, yên tĩnh chăm sóc cho hồi tỉnh. Sau đó mời y, bác sĩ hoặc nhẹ nhàng đưa đến cơ quan y tế gần nhất để theo dõi chăm sóc.

Trường hợp 2 khi nạn nhân mất tri giác: Nếu nạn nhân vẫn còn thở nhẹ, tim đập yếu thì đặt nạn nhân nơi thoáng khí, yên tĩnh (trời rét phải đặt ở nơi kín gió), nới rộng quần, áo, thắt lưng, moi nhớt dãi trong mồm, đặt nạn nhân về tư thế nằm nghiêng, ma sát toàn thân cho nóng lên và mời y, bác sĩ đến để chăm sóc.

Trường hợp 3 nếu nạn nhân đã tắt thở: Nếu tim nạn nhân ngừng đập, toàn thân co giật giống như chết thì phải đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí, nới rộng quần, áo, thắt lưng, moi nhớt dãi trong mồm và kéo lưỡi (nếu lưỡi thụt vào). Tiến hành làm hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay, phải làm liên tục, kiên trì cho đến khi có ý kiến của y, bác sỹ quyết định mới thôi.

“Dù ở tình huống nào thì cũng phải thật bình tĩnh để xử lý, không hoang mang, vội vã để có thể không cứu được nạn nhân mà còn gây hại cho chỉnh bản thân mình”, EVNSPC khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn