MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến chính trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thông suốt, tuy nhiên các hạng mục đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn cầu vượt cao tốc thiếu nguồn đất đắp. Ảnh: Hà Anh Chiến

Nguyên nhân cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nguy cơ trượt tiến độ ngày 30.4

HÀ ANH CHIẾN LDO | 14/02/2023 10:11

Đồng Nai - Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dự định đưa vào vận hành khai thác ngày 30.4.2023, nhưng đang đứng trước nguy cơ trượt tiến độ do việc thi công các hạng mục đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt đang gặp khó do thiếu nguồn đất đắp.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, với tổng chiều dài 99km, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng.

Cuối tháng 11.2022, tại buổi kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đề nghị trước 30.4.2023 phải đưa dự án vào vận hành, khai thác. 

Đến nay, dự án đã được thông xe kỹ thuật, toàn tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99km nối Đồng Nai - Bình Thuận đã thảm nhựa xong mặt đường trên tuyến chính, ôtô có thể chạy liền mạch xuyên suốt toàn tuyến với thời gian chỉ khoảng 1 giờ 30 phút.

Tuy nhiên, dù dự án đã được thông xe kỹ thuật, phần tuyến chính đã cơ bản thông suốt nhưng thi công các hạng mục khác đang gặp khó do thiếu nguồn đất đắp, dẫn tới nguy cơ trượt tiến độ ngày 30.4.

Thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, khó khăn phát sinh hiện nay của dự án Phan Thiết - Dầu Giây là việc thi công các hạng mục đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt qua đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang bị thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường, cụ thể dự án cần thêm khoảng 650 ngàn m3 đất đắp.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc liên doanh gói thầu xây lắp số 3 cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, do chưa có nguồn đất đắp nên các nhà thầu chưa thể triển khai thi công được các hạng mục trên.

Tương tự, tại gói thầu xây lắp số 4, dù đã huy động đủ các phương tiện, máy móc nhưng các nhà thầu cũng chưa thể thi công được các hạng mục đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt do chưa có nguồn đất đắp nền đường.

Cũng theo ông Hải, nếu không sớm giải quyết được nguồn đất đắp, đến thời điểm ngày 30.4.2023, gói thầu số 4 có khả năng chỉ hoàn thành xây dựng phần tuyến chính (phần đường cao tốc). Trong khi đó, các hạng mục còn lại như đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt rất khó để hoàn thành.

Theo cấp phép của UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có thời hạn thực hiện đến ngày 31.12.2022. Đến thời điểm trên, các dự án này đều đã tạm ngưng thực hiện vì hết thời hạn được cấp phép. Chính vì vậy, nguồn đất đắp cho dự án cũng bị ngưng cung cấp từ thời điểm trên.

Ban Quản lý dự án Thăng Long đang kiến nghị tỉnh Đồng Nai cho gia hạn thời gian khai thác đối với các dự án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được cấp phép đến ngày 30.4.2023. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn