MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại Lâm Đồng. Ảnh: Minh Phạm

Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Mai Hương LDO | 15/09/2023 20:13

Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm cho nguồn nước, ảnh hưởng đến việc xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân tỉnh Lâm Đồng.

Các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước

Trong tham luận tại Hội thảo khoa học "Thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các vùng dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" vừa diễn ra tại TP Đà Lạt, kỹ sư Hà Ngọc Quế - Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng đã đề cập đến các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước.

Theo kỹ sư Hà Ngọc Quế, rác thải không được thu gom triệt để dẫn tới các rác thải bị nước mưa cuốn trôi và chảy vào sông hồ là nguyên nhân gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Tuy đã có hoạt động thu gom rác thải nhưng tình trạng thu gom không hết, không triệt để và ý thức con người về việc thu gom rác thải chưa cao nên ô nhiễm phát sinh từ việc này vẫn còn rất lớn.

Hiện nay, việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt mới được thực hiện một phần của TP Đà Lạt, còn lại hầu hết được xử lý sơ bộ hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm cho nguồn nước rất lớn, ảnh hưởng đến việc xử lý nước sạch cung cấp cho sinh hoạt.

Ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp cũng là một yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước. Tỉnh Lâm Đồng là một tỉnh nông nghiệp là chính, trong quá trình sản xuất sẽ tạo ra nhiều các chất gây ô nhiễm như: thức ăn thừa trong chăn nuôi không qua xử lý; phân và nước tiểu của vật nuôi chưa qua xử lý; các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ... được được sử dụng quá mức, quá liều lượng thẩm thấu ra môi trường.

Hồ Đankia - Suối Vàng là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho người dân TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Minh Phạm

Giải pháp tức thời của người sử dụng

Về tình trạng nước sạch tại Lâm Đồng, theo quan điểm của TS. Nguyễn Giằng và ThS. Nguyễn Tiến Đạt - Viện Nghiên cứu hạt nhân, dù thông qua các mẫu kiểm nghiệm, vẫn chưa thể đảm bảo tính thuyết phục.

Trình bày trong tham luận, TS. Nguyễn Giằng và ThS. Nguyễn Tiến Đạt cho biết, tại TP Đà Lạt, mặc dù có nguồn nước sạch được cung cấp từ nhà máy cấp nước Lâm Đồng, nhưng thực tế một số vùng vẫn gặp trục trặc về đường ống nước. Do đó, một số hộ dân khi để nước trong bể lắng, bồn chứa thường gặp cặn bám, thậm chí nước có màu khá đục, gây hoang mang cho người sử dụng.

Với thực tế như vậy, một số người sử dụng ở ven Đà Lạt hoặc có vườn trồng cây chủ động khoan giếng để tìm nguồn nước phục vụ nhu cầu riêng của họ. Tuy nhiên, việc này cũng đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề.

Theo TS. Nguyễn Giằng và ThS. Nguyễn Tiến Đạt, một số giếng khoan không đạt yêu cầu thường không được xử lý mà bị bỏ hoang. Điều này tạo điều kiện cho các yếu tố gây ô nhiễm các mạch nước ngầm khác, là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm chất lượng nước ngầm hiện nay.

Nhu cầu sử dụng nước của người dân ở Lâm Đồng rất lớn, và do đó, họ thường tự phát và tìm cách đào hoặc khoan giếng để đáp ứng nhu cầu của mình. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc không kiểm soát được chất lượng nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn