MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân vật vã với ngập nước tại khu vực chợ Thủ Đức, chiều 15.5. Ảnh: Minh Quân

Nguyên nhân khiến TPHCM càng chống càng ngập

MINH QUÂN LDO | 18/05/2024 06:00

TPHCM - Biến đổi khí hậu, sụt lún, đô thị hóa nhanh, nhiều tuyến đường không có cống thoát nước hoặc có nhưng lạc hậu, các dự án chống ngập chậm triển khai, manh mún khiến tình trạng ngập xảy ra thường xuyên hơn ở TPHCM.

Một trận mưa lớn bộc lộ điểm yếu chống ngập

Cơn mưa chiều 15.5 khiến nhiều tuyến đường quanh chợ Thủ Đức bị ngập nửa mét. Hệ thống cống quá tải khiến hố ga bung nắp, nước cuồn cuộn trào lên. Đáng nói, khu vực này nằm trong phạm vi dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, vốn đầu tư hơn 248 tỉ đồng vừa được khánh thành cách đây gần một tháng.

Nguyên nhân được lãnh đạo UBND TP Thủ Đức đưa ra là do mưa vượt công suất thiết kế của cống thoát nước. Ngoài ra, một dự án chống ngập không thể giải quyết được tình trạng ngập ở khu vực chợ Thủ Đức mà cần triển khai đồng bộ nhiều dự án cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch.

Tính trên toàn thành phố, theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (thuộc Sở Xây dựng), hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư để đáp ứng vũ lượng (lượng mưa). Thậm chí, nhiều tuyến đường chưa có hệ thống gom nước.

Trong khi đó, trước năm 2000, thông thường TPHCM chứng kiến trận mưa trên 95mm với chu kỳ 5 năm 1 lần. Còn trong 5 năm qua, hầu như năm nào cũng có nhiều trận mưa trên 100mm, thậm chí trên 150mm.

Cống thoát nước lạc hậu, dự án chống ngập manh mún khiến TPHCM chưa thể hết ngập. Trong khi dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng triển khai từ năm 2016 được kỳ vọng giải quyết căn cơ ngập do triều và hỗ trợ ngập do mưa lại chưa thể về đích.

Hiện nền đất tại TPHCM bị sụt lún trung bình khoảng 2cm mỗi năm, có nơi đến 6cm - càng khiến thành phố đối mặt tình trạng ngập lụt thường xuyên hơn.

TPHCM đã chi hàng chục nghìn tỉ đồng chống ngập nhưng không hết ngập. Ảnh: Minh Quân

Toàn bộ kinh phí mà TPHCM đã “đổ” vào công tác chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 là 25.998 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD.

Kế hoạch giảm ngập nước cho TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 ước tính cần khoảng 101.000 tỉ đồng, tương đương 4,3 tỉ USD.

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Hồ Long Phi - nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), nhận xét, số tiền thành phố bỏ ra chống ngập sẽ chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu, bởi hệ thống chống ngập của TPHCM vừa yếu và thiếu.

“Thiếu bởi vì hiện nay nó chỉ đạt khoảng 30%-40% tổng lưu vực của TPHCM thôi. Yếu là hiện các hệ thống chống ngập của thành phố đang quá tải do biến đổi khí hậu” - ông Phi nói.

Quy hoạch vùng trữ ngập

Ông Hồ Long Phi nhấn mạnh, để chống ngập phải dùng hai giải pháp chính là ngăn chặn, bảo vệ (biện pháp công trình), thứ hai là thích ứng (trong trường hợp công trình chưa đáp ứng được).

Tuy nhiên, hiện nay, TPHCM chủ yếu tập trung cho giải pháp công trình, giải pháp thích ứng chỉ làm một số điểm, còn người dân cứ mạnh nhà nào, nhà ấy tôn nền nhà, nền đường (thích ứng bắt buộc).

TPHCM đã đề ra chiến lược và giải pháp chống ngập vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp cuối tuần này.

Theo đồ án, TPHCM được phân chia thành ba vùng chống ngập: Vùng 2 là TP Thủ Đức; Vùng 3 là huyện Cần Giờ; Vùng 1 là toàn bộ phần còn lại của thành phố - được phân chia thành ba vùng nhỏ hơn do quá trình phân kỳ đầu tư.

Trong đó, Vùng 1 và 2 sẽ hình thành ba lớp chống ngập. Lớp bảo vệ với hạ tầng chính là hệ thống đê ngăn triều và lũ từ Bến Súc dọc theo sông Sài Gòn cho đến Đức Hòa (Long An) và hệ thống 12 cống ngăn triều lớn.

Lớp thích ứng là hệ thống vùng trữ ngập phân bố toàn vùng. Quy mô khu vực trữ ngập có diện tích khoảng 17% tổng diện tích vùng, gồm hệ thống kênh rạch tự nhiên tận dụng trữ ngập chiếm khoảng 4%; diện tích hồ điều tiết quy hoạch mới chiếm khoảng 3%; vùng trữ ngập phân bổ trong đất cây xanh công viên và đô thị thích ứng chiếm 10%.

Lớp giảm thiểu thiệt hại là hệ thống đường bộ và đường thủy có khả năng tiếp cận nhanh vùng sự cố và hệ thống cảnh báo ngập thời gian thực.

Vùng 3 không xây dựng đê kè, tôn nền sát bờ sông gây co hẹp dòng chảy sông Soài Rạp và Lòng Tàu. Các khu vực phát triển tại Cần Giờ được khuyến khích ứng dụng giải pháp thích ứng có khả năng sống chung với ngập do triều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn