MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phóng viên báo Lao Động tác nghiệp trong dịch COVID-19. Ảnh: Lao Động

Nhà báo "chiến trường" giữa thời bình rất đáng trân trọng và tôn vinh

Thùy Linh LDO | 20/06/2021 22:04

"Tôi thực sự xúc động khi trong thời bình, chúng ta vẫn có những nhà báo "chiến trường", những người đã xung phong vào tâm dịch, xung phong vào những vùng "nóng" nhất của dịch COVID-19, mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức giống như y bác sĩ tuyến đầu, chấp nhận hoàn cảnh tác nghiệp khó khăn, nguy hiểm, thậm chí rất dễ bị nhiễm bệnh... để đưa thông tin từ tâm dịch đến với độc giả"- Nhà báo Trần Bá Dung- Trưởng ban Nghiệp vụ- Hội Nhà báo Việt Nam nói.

Báo chí đã có nhiều góc nhìn đa chiều trong dịch COVID-19

Đánh giá cao vai trò của báo chí trong công cuộc chống dịch COVID-19, Nhà báo Trần Bá Dung- Trưởng ban Nghiệp vụ- Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Vai trò của báo chí trong dịch COVID-19 rất rõ ràng. Trước hết, các nhà báo, các cơ quan báo chí là kênh phổ biến, tuyên truyền kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất những quyết sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, cụ thể hơn là Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế đến toàn dân.

"Điều này mang tính chất quyết định đến công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam. Nếu các quyết sách của Đảng, Nhà nước không đến với người dân kịp thời, thì người dân sẽ không sớm nắm bắt tinh thần chống dịch và thực hiện theo"- ông nói.

Thứ 2, báo chí là nơi thông tin kịp thời nhất, sớm nhất diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên khắp cả nước và tình hình trên thế giới, để nhân dân và thậm chí là cơ quan chức năng biết, để có những biện pháp đối phó kịp thời. Nhờ báo chí đưa tin, người dân cũng có phương án phòng chống dịch bệnh kịp thời, cơ quan chức năng sẽ đánh giá, nhận định được tình hình để có phương án đối phó tại địa phương của mình.

Thứ 3, báo chí là nơi phản ánh những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của ngành y tế, trên tuyến đầu chống dịch. Nếu không có sự động viên kịp thời của cơ quan báo chí truyền thông, sẽ làm giảm đi tinh thần, giảm đi sự lan tỏa của những hình ảnh đẹp từ ngành y tế. Đây cũng là một kênh, góp phần tăng thêm sức mạnh tinh thần cho các "chiến sĩ áo trắng", để họ làm tốt nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch.

Thứ 4, báo chí cũng đưa lên các mô hình, các tấm gương điển hình về cách làm tốt của những cá nhân, tập thể trong toàn xã hội, từ công an, bộ đội, cán bộ Đảng, chính quyền, đến những người dân bình thường trong việc phát huy tinh thần đoàn kết của người Việt trong khó khăn, hoạn nạn.

Nhiều góc nhìn đa chiều đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Những câu chuyện về ATM gạo, về khẩu trang miễn phí, về người giúp đỡ người trong khó khăn... là những câu chuyện đã lay động trái tim của nhiều người. Sức mạnh của báo chí đã góp phần làm nên sức mạnh toàn dân trong COVID-19, để chúng ta có thể thành công trong các đợt dịch liên tiếp vừa qua.

Nhà báo Trần Bá Dung tại Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia 2020. Ảnh: NVCC

Dòng chảy báo chí chưa bao giờ ngưng nghỉ

Theo nhà báo Trần Bá Dung, suốt thời gian qua, dù gặp khó khăn vì dịch COVID-19, nhưng dòng chảy báo chí chưa bao giờ ngưng nghỉ. Những tác phẩm báo chí vẫn đều đặn hàng ngày, hàng giờ được xuất bản, đưa thông tin nhanh nhất đến người dân. Thông tin được cập nhật từng phút, được đa dạng hóa bởi các loại hình báo chí...

Trong dịch COVID-19, báo chí cũng đã đưa lên những sáng kiến, những phát minh, những thành tựu của y học, rất kịp thời và tạo ra hiệu quả, góp phần vào công cuộc chống dịch.

Bên cạnh việc tuyên truyền toàn dân thực hiện thông điệp 5K, tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, báo chí cũng đã giúp cơ quan chức năng phát hiện sớm những sai trái, những hành động chống đối, những cá nhân không chấp hành, ý thức kém gây ảnh hưởng đến cộng đồng... từ đó, cơ quan chức năng quyết liệt xử lý để làm gương.

Trong suốt thời gian chống dịch COVID-19, báo chí đã vẽ lên bức tranh toàn cảnh về đại dịch toàn cầu, khi phản ánh câu chuyện chống dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới, đưa hình ảnh một Việt Nam anh hùng trong chống dịch ra thế giới.

Theo nhà báo Trần Bá Dung, ông thực sự xúc động khi trong thời bình, chúng ta vẫn có những nhà báo "chiến trường", những người đã xung phong vào tâm dịch, xung phong vào những vùng "nóng" nhất của dịch COVID-19, mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức giống như y bác sĩ tuyến đầu, chấp nhận hoàn cảnh tác nghiệp khó khăn, nguy hiểm, thậm chí rất dễ bị nhiễm bệnh... để đưa thông tin từ tâm dịch đến với độc giả. Đây là những hình ảnh rất đáng trân trọng, đáng được đề cao và tôn vinh.

"Các nhà báo đã không quản ngại nguy hiểm, xông pha vào những chỗ khó khăn, nguy hiểm để đưa tin vì cộng đồng và đồng thời để chia sẻ, động viên cán bộ y tế tuyến đầu và nhân dân vùng dịch COVID-19. Đây là những việc làm đáng trân trọng, đáng biểu dương"- Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí ngoài việc nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, đã tích cực làm tốt nhiệm vụ vận động xã hội, kêu gọi ủng hộ cho nhiều tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong dịch COVID-19. Chính sự chung tay, vào cuộc như vậy, đã góp phần tạo nên sức mạnh lớn vào công cuộc chống dịch COVID-19 của toàn dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn